Ẩm thực

Michelin không dành cho người nóng vội

11:56 - 17/09/2019
Nằm trong khách sạn 5 sao Siam Kempinski (Bangkok - Thái Lan), không khó để đoán độ "sang chảnh" của nhà hàng Sra Bua by Kiin Kiin (chứng nhận Michelin 2019). Nó sang đến độ chỉ cần nghĩ đến bộ trang phục xuề xòa của dân du lịch bụi cũng khiến chúng tôi suýt từ bỏ ý định thử một lần cho biết.

Chứng nhận Michelin (danh hiệu cao quý trao cho các cơ sở ăn uống cao cấp) cho một nhà hàng tất nhiên đến từ chất lượng thức ăn. Một món ăn dù xuất phát từ vỉa hè nhưng khi vào nhà hàng Michelin, nó mặc nhiên trở nên ngon và đẹp. Ở Sra Bua cũng vậy. Đó là những món ăn quen thuộc mà du khách có thể tìm thấy ở dọc đường phố Bangkok. Tuy nhiên, cà ri cua thì "tuyệt cú" hơn nhiều bởi những thớ thịt cua cực phẩm. Món cá nướng thường thấy cũng sẽ trở nên lạ lẫm hơn với nguyên liệu cá tuyết và đặc biệt là món gỏi Thái quen thuộc. Nó không nhộn nhạo, "tả pín lù" như ở các quán vỉa hè mà gọn gàng, tươm tất như một nàng công chúa với bộ váy áo sặc sỡ, sang trọng.

Michelin không dành cho người nóng vội - Ảnh 1.

Máu phiêu lưu là lý do mà tôi trải qua gần 10 nhà hàng Michelin ở các nước Thái Lan, Singapore và Nhật Bản. Về độ ngon thì chẳng cần bàn bởi chẳng phải tự nhiên mà một nhà hàng nào đó lại được chứng nhận chuẩn "Michelin danh giá". Trải nghiệm Michelin cũng là một cách để thưởng thức cung cách phục vụ.

Michelin không dành cho người nóng vội - Ảnh 2.

Nếu cuộc sống thường nhật chúng ta bị ám ảnh bởi những bữa ăn vội, lùa nhanh bát cơm, chén mì để còn làm việc thì ở nhà hàng Michelin, ăn chậm chính là mấu chốt. Trước khi ăn, thực khách phải nghe cái cách mà đầu bếp đã tạo nên món ăn tuyệt phẩm kia như thế nào. Cảm giác lúc ấy (nếu có thêm phần đói) thì đích thị là khó chịu kiểu "mỡ treo miệng mèo". Ngay cả sau khi kiên nhẫn lắng nghe, thực khách vẫn tiếp tục thưởng thức món ăn với tâm thế từ tốn nhất có thể. Vì sao? Bởi chỉ cần há miệng to hay lỡ gắp một miếng to thức ăn cũng sẽ trở nên thô lỗ trong mắt người khác. Và nếu không hợp với vị của một món ăn nào đấy, bạn sẽ bị nhân viên tra vấn: "Nó không ngon ư? Bạn thấy nó dở thế nào? Chúng tôi phải chỉnh sửa gì cho phù hợp với bạn?", bạn lập tức thấy hối lỗi trước sự nhiệt tâm và lo lắng tột độ của nhân viên phục vụ.

Michelin không dành cho người nóng vội - Ảnh 3.

Quãng thời gian chờ đợi phục vụ món ăn mới thật khủng khiếp, nếu thực khách đi ăn cùng nhau là những người bạn kiệm lời. Trung bình ăn một tô phở, bạn mất 10 phút thì với khoảng 4 món ăn cho một bữa trưa, bạn sẽ mất khoảng 1 giờ 30 phút. Trong đó, thời gian ăn kéo dài tối đa 30 phút và 1 giờ là để tán gẫu từ rôm rả rồi nhạt dần và cuối cùng là im lặng chờ… ăn. 

Thế đấy, Michelin không dành cho những người thiếu kiên nhẫn. Đặc biệt là ở hầu hết các nhà hàng Michelin luôn giữ lại khoảng trống. Tức là dù nhà hàng không đông nhưng họ vẫn không nhận thêm đặt chỗ mà để khách đứng xếp hàng trước cửa.

Michelin không dành cho người nóng vội - Ảnh 4.

Với dân du lịch bụi, trải nghiệm nhà hàng Michelin đôi khi thật phiền phức. Dù vậy, chúng ta cũng nên đôi lần đến đây để tận hưởng cảm giác của một thượng đế đúng nghĩa. Tất nhiên, chúng ta đang đi mua cảm giác ấy vì tiền trải nghiệm cho Michelin chưa bao giờ là rẻ.

Theo Người Lao động