Ẩm thực

Người dân khắp thế giới ăn gì ngày đầu năm để lấy may?

17:29 - 01/01/2020
Năm mới là thời điểm đặc biệt đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong dịp này mỗi nước đều thể hiện bản sắc văn hóa của mình thông qua các món ăn truyền thống đặc sắc.

Tây Ban Nha

Người Tây Ban Nha có truyền thống ăn 12 quả nho khi đồng hồ điểm 12 tiếng theo nhịp chuông. Không những thế, họ còn lột vỏ, lấy hạt ra trước để đảm bảo ăn đủ 12 quả trước tiếng chuông cuối cùng để đảm bảo may mắn.

Ảnh: VNN 

Mỗi quả tượng trưng cho một tháng, ví dụ nếu quả thứ 3 hơi chua, điều đó nghĩa là tháng 3 sẽ khá khó khăn. Bên cạnh đó, 12 quả nho cũng biểu trưng cho 12 số trên mặt đồng hồ.

Tương truyền rằng tục lệ này bắt nguồn từ năm 1909, khi những người trồng nho vùng Alicante dùng cách này để giải quyết số nho thừa.

Mexico

Tamal là món bánh được làm từ ngô nguyên hạt xay thành bột nước và gói lại thành bánh của người dân Mexico và hầu hết các nước vùng Mỹ Latinh. Món ăn này có cách làm khá giống cách làm bánh chưng của Việt Nam khi cũng sử dụng một lớp lá bên ngoài để gói bánh sau đó mới đem luộc, trong trường hợp này bánh sẽ được gói trong bẹ ngô.

(Ảnh: Bueno Foods) 

Nguyên liệu làm bánh tamal là bột ngô, mỡ, thịt, cá và một số loại rau đặc trưng đem thái nhỏ trộn đều với nhau rồi sử dụng lá chuối hoặc lá ngô gói hỗn hợp này lại rồi đem luộc hoặc hấp chín.

Giống như bánh chưng của Việt Nam, món bánh này thường được làm với số lượng lớn, các chị em thường tụ tập để làm hàng trăm cái và luộc trong chiếc nồi lớn. Những chiếc bánh này sẽ được ăn ở nhà hay mang tặng cho bạn bè, người thân.

Hà Lan

Vào Giao thừa, người dân Hà Lan thường ăn bánh chiên Oliebollen hoặc bánh rán nhỏ rắc nho hoặc nho khô. Phong tục truyền thống này tương truyền bắt nguồn từ các bộ tộc ở Đức nhằm tránh khỏi lưỡi dao của nữ thần Perchta.

(Ảnh: Thespruceeats) 

Người Hà Lan tin rằng nếu thưởng thức món bánh này vào ngày đầu năm mới sẽ nhận được những điều tốt lành nhất. Món bánh này được những người phụ nữ trong gia đình làm vào dịp Tết. Bánh làm từ bột mì và trứng cùng nhân là các loại quả như táo, dứa hoặc nho.

Bánh được nặn hình tròn sau đó được chiên ngập trong dầu và rắc thêm chút bột đường rất hấp dẫn. Vào dịp đầu năm mới, bánh Oliebollen được bày bán ở các quán cóc hoặc xe kéo trên khắp các con phố ở Hà Lan.

Nhật Bản

Người Nhật có phong tục ăn mỳ Soba vào ngày cuối cùng trong năm để tiễn năm cũ, đón một năm mới may mắn và sức khỏe, truyền thống này bắt nguồn từ thế kỉ 17. Sợi mỳ soba dài và dai còn biểu tượng cho sự trường thọ của con người. Chính vì vậy, mỳ soba được coi là biểu tượng cho sự may mắn.

Ngoài ra, mochi cũng là loại bánh thường được ăn trong ngày Tết. Theo phương pháp truyền thống, gạo để nặn bánh mochi được ngâm qua đêm và sau đó hấp trên lửa trong một chiếc hộp bằng gỗ được gọi là “seiro” rồi nghiền thành bột nhão mịn trong bát đá “usu” và nặn thành các bánh tròn nhỏ, nhân ngọt.

Pháp

Có nguồn gốc từ nước Pháp, King Cake (bánh vua) là một loại bánh phổ biến trên toàn thế giới. Chiếc bánh thường có một hình nộm nhỏ (hình em bé, được cho là đại diện cho Chúa Jesus lúc bé) làm bằng nhựa được giấu bên trong ở vị trí bất kỳ.

(Ảnh: Allrecipes) 

Trong bữa tiệc năm mới, người nào ăn trúng miếng bánh có chứa bức tượng trên sẽ nhận được nhiều may mắn. Tại Pháp, bánh thường bán kèm thêm 1 vương miện bằng giấy, để người bắt gặp hình nộm sẽ đội vào và là vua hoặc nữ hoàng của buổi tiệc.

Italy

Món Cotechino con Lenticchie với nguyên liệu chính là xúc xích làm từ thịt heo và đậu lăng xanh là món hầm truyền thống của người Ý trong ngày đầu năm.

(Ảnh: Donna Moderna) 

Xúc xích thịt heo và đậu lăng xanh được xem là 2 biểu tượng ẩm thực may mắn của người Ý. Người dân nước này cho rằng, heo lúc ăn luôn dũi mõm về phía trước, tượng trưng cho sự tiến bộ. Đối với đậu lăng, chúng có hình dạng như đồng xu nhỏ, tượng trưng cho may mắn.

Nam Mỹ

Mặc dù có nguồn gốc từ châu Phi và Tây Ấn nhưng món Hoppin John luôn có mặt trong mọi bàn tiệc vào dịp đầu năm mới ở miền Nam nước Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng món ăn này có thể được những người nô lệ mang đến.

(Ảnh: Epicurious) 

Món ăn truyền thống được làm từ đậu Hà Lan, gạo, thịt lợn hoặc đậu mắt đen (tượng trưng cho đồng xu). Thực phẩm ăn kèm gồm bánh kẹp hoặc rau xanh nấu chín (màu của tiền giấy), bánh ngô (màu của vàng). Người dân ở đây quan niệm việc thưởng thức món Hoppin John sẽ mang lại những điều may mắn trong năm mới.

Ba Lan

Người Ba Lan và khu vực Scandinavia tin rằng, ăn cá trích vào đêm giao thừa sẽ mang lại một năm an khang thịnh vượng, nhiều tài lộc. Một trong những loại cá trích ngâm đặc biệt nhân dịp năm mới tại Ba Lan có tên gọi là Sledzie Marynowane.

(Ảnh: Katalogsmakow) 

Cá trích muối được ngâm trong nước khoảng 1 ngày, sau đó đặt vào trong lọ với hành, gia vị, đường và giấm trắng.

Cuba

Trong bàn tiệc những ngày đầu năm mới của người Cuba không thể thiếu món lợn quay. Thịt sẽ được tẩm ướp từ trước đó một ngày với hành khô băm nguyễn, hạt tiêu, muối và cam chua. Ăn kèm với thịt quay là cơm đỗ đen và rau trộn theo mùa.

(Ảnh: Ciber Cuba) 

Với người dân Cuba, lợn tượng trưng cho sự phát triển bởi con vật này thường tiến về phía trước khi kiếm ăn. Đồng thời, thịt lợn cũng là món tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng.

Na Uy

Kransekage là món ăn truyền thống kết hợp từ các bánh vòng hạnh nhân với nhiều kích cỡ. Hình dáng của Kransekage khiến người ta nghĩ đến chiếc nhẫn cưới truyền thống, tượng trưng cho sự gắn kết của đôi uyên ương nên Kransekage được chọn làm bánh cưới hoặc các dịp lễ quan trọng của người Na Uy.

(Ảnh: valdemarsro) 

Kransekage là loại bánh được làm từ hạnh nhân, đường, lòng trắng trứng và không sử dụng tinh bột.

Hy Lạp

Vào dịp năm mới, người Hy Lạp sẽ làm món bánh mỳ có tên Vassilopita.

(Ảnh: Greek Reporter) 

Đây là một loại bánh mỳ nướng rất to có hình tròn bên trong có nhét một đồng xu. Vào bữa tiệc năm mới, nếu ai may mắn ăn được miếng bánh có đồng xu có nghĩa là người đó sẽ được nhiều tiền bạc và tài lộc trong năm sau.

VTC NEWS