Cẩm nang du lịch

Những làng nghề truyền thống trứ danh ở miền Tây

17:07 - 02/11/2018
Trong hành trình du lịch miền Tây, sẽ là thiếu sót nếu không đến thăm những làng nghề truyền thống trứ danh nơi đây.

Làng dệt thổ cẩm 

An Giang có một số làng dệt thổ cẩm truyền thống nổi tiếng như làng dệt thổ cẩm Văn Giáo (xã Văn Giáo huyện Tịnh Biên), làng dệt thổ cẩm Châu Giang (ấp Phum Xoài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu). Các sản phẩm dệt thổ cẩm khá đa dạng, từ sà rông, túi, ví, khăn tay đến quần áo… đều được làm thủ công, mang vẻ đẹp độc đáo, đậm đà bản sắc truyền thống các dân tộc Chăm, Khmer.

Ảnh: dailytravelvietnam

Đến với làng dệt thổ cẩm ở An Giang, du khách không chỉ được ngắm nhìn những sản phẩm dệt tinh xảo, truyền thống mà còn có cơ hội được tìm hiểu và thử các thao tác dệt ngay trên khung cửi. Ngoài ra, mua sản phẩm trực tiếp tại làng nghề cũng rẻ hơn khá nhiều so với mua ở chợ. Nhiều sản phẩm dệt thổ cẩm ở đây được xuất khẩu sang nhiều nước như Thái Lan, Campuchia, Mỹ, Australia…

Làng nghề chằm nón lá

Ảnh: tourismcantho

Làng nghề chằm nón lá nằm ở ấp Thới Thuận A, huyện Thới Lai, tỉnh Cần Thơ, có lịch sử lâu đời hơn 70 năm. Nón ở đây được làm từ lá mật cật và cây trúc. Lá mật cật xòe tròn như lá cọ, được trồng nhiều ở Cà Mau và  Phú Quốc…Để làm ra được một chiếc nón lá hoàn chỉnh cần qua nhiều công đoạn phức tạp, tỉ mỉ. 

Nón do một người thợ lành nghề làm ra được bán với giá cao gấp 3-5 lần nón bình thường. Chiếc nón lá không chỉ là vật dụng hữu ích giúp du khách che nắng che mưa mà còn góp phần tạo nên những bức ảnh đặc trưng khi đi du lịch các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Làng nghề làm nước mắm

Ảnh: adayroi

Phú Quốc là một trong những địa danh sản xuất nước mắm nức tiếng cả nước. Nghề làm nước mắm ở huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã có từ hơn 200 năm trước. Nước mắm ở đây được làm từ các loại cá cơm theo tỷ lệ định sẵn. 

Hiện nay, có khoảng 100 cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc, hoạt động theo mô hình cha truyền con nối. Bên trong các xưởng sản xuất nước mắm là hàng chục chiếc thùng gỗ cao có đường kính 3 mét, có thể chứa 14-17 tấn cá cơm. Mỗi xưởng sản xuất có một bí quyết riêng, thường sau một năm là có nước cốt đầu tiên. Nước mắm Phú Quốc nổi tiếng về độ đạm cao, có hương vị dìu dịu, thơm mùi cá cơm. 

Làng hoa Tân Quy Đông

Ảnh: thanhnien.vn

Làng hoa Tân Quy Đông ở thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp được coi là làng nghề trồng hoa và cây cảnh quy mô nhất khu vực Nam Bộ. Nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống ở đây có từ những năm đầu thế kỷ 20. Do điều kiện khí hậu thuận lợi, lại thêm bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nên các loài hoa và cây cảnh được trồng ở đây nổi tiếng về hương và sắc. 

Diện tích trồng hoa ở Tân Quy Đông mở rộng dần theo thời gian, với hàng nghìn loài cây, hoa. Nét độc đáo là các chậu hoa cảnh ở đây được đặt trên giàn cao, thay vì để trực tiếp dưới mặt đất. Với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, hoa và cây cảnh ở Tân Quy Đông không chỉ phổ biến ở Nam Bộ mà còn được bán ra khắp cả nước, và một số nước láng giềng. Du khách có thể đến làng hoa Tân Quy Đông vào bất kỳ mùa nào trong năm và trải nghiệm vẻ đẹp rực rỡ ở xứ sở hoa này.

Làng nghề bánh pía

Ảnh: gotrangtri.vn

Bánh pía vốn là món ăn quen thuộc, phổ biến ở miền Tây Nam Bộ, nhưng hiện nay, món bánh này đang được ưa chuộng ở nhiều nơi trên cả nước. Ngon nhất là bánh pía làng Vũng Thơm ở tỉnh Sóc Trăng, quê hương của loại bánh này. Làng Vũng Thơm thuộc xã Phú Tâm, huyện Châu Thành là nơi chuyên sản xuất bánh pía từ 70-80 năm nay. 

Bánh pía ở đây làm từ các nguyên liệu được chọn lọc kỹ lưỡng, có vị ngọt bùi của bột đậu xanh, mùi thơm đặc trưng của sầu riêng, béo ngậy của mỡ. Bánh pía Vũng Thơm không quá ngọt, không quá ngấy, các nguyên liệu hòa quyện tạo nên hương vị hấp dẫn khiến nhiều du khách tới miền Tây đều không quên mang về một gói bánh pía làm quà.