Trải nghiệm

Kihnu - Hòn đảo Estonia vắng bóng đàn ông

22:55 - 11/10/2019
Cuộc sống sẽ ra sao nếu vắng bóng đàn ông? Trên hòn đảo nhỏ Kihnu ở biển Baltic, mọi chuyện vẫn diễn ra như bình thường, tuy nhiên, cuộc sống giàu sắc màu dân gian ở đây đang bị đe dọa.

Ở Bảo tàng Kihnu trên hòn đảo nhỏ xíu này của Estonia, những người phụ nữ cao tuổi, mặc những chiếc váy sọc sặc sỡ, đang vừa nhâm nhi cà phê vừa suy ngẫm về một câu hỏi thường gặp: “Có điều gì mà một người phụ nữ Kihnu chưa làm được?”. Rồi họ điểm lại cả một danh sách dài những công việc cần thiết mà họ nhớ được đã làm khi không có đàn ông, từ sửa động cơ máy cày đến tổ chức lễ trong nhà thờ khi cha xứ không có mặt. 

Bà Virve Koster, 91 tuổi, từng là một trong những ca sĩ nhạc dân gian được yêu thích nhất Estonia. Ảnh: Birgit Puve 

Du khách đến thăm hòn đảo yên bình trên biển Baltic này sẽ lập tức bị ấn tượng bởi những bãi biển lộng gió bao quanh những cánh rừng nguyên sinh và thỉnh thoảng là những ngôi nhà trang trại màu sắc tươi sáng. Với diện tích gần 7 dặm vuông, Kihnu là đảo lớn thứ 7 trong tổng số hơn 2.000 hòn đảo của Estonia. 

Một cánh đồng và những ngôi nhà ở Kihnu, hòn đảo có diện tích khoảng 7 dặm vuông. Ảnh: Birgit Puve 

Nhiều hòn đảo của Estonia đến nay vẫn còn hoang sơ và chưa bị tác động nhiều kể từ khi có con người đến sinh sống từ nhiều thế kỷ trước. Ngược lại, đảo Kihnu lại nổi bật chính bởi dân cư của đảo. Hòn đảo này nổi tiếng vì hầu hết cư dân là phụ nữ. 

Bà Maie Aav - giám đốc Bảo tàng Kihnu, ngồi trước cửa ngôi nhà bảo tàng được trang trí rực rỡ sắc màu. Ảnh: Brigit Puve

Nam giới bắt đầu mờ nhạt dần trong cuộc sống thường ngày trên đảo Kihnu vào thế kỷ thứ 19 do biền biệt trên biển. Đánh cá và săn hải cẩu khiến họ phải xa nhà mỗi lần vài tháng trời. Chính vì vậy, phụ nữ Kihnu đã phải ghé vai xốc vác mọi thứ trên đảo. Vai trò truyền thống của người phụ nữ cũng vì thế mà được mở rộng để đáp ứng nhu cầu tồn tai và phát triển. Dần dà, vai trò ấy đã đi sâu, bám rễ vào di sản văn hóa của Kihnu và được UNESCO đưa vào Danh sách đại diện của Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2008.

Một người phụ nữ cao tuổi đạp xe ngang qua Bảo tàng Kihnu. Ảnh: Brigit Puve

Tuy nhiên ngày nay, Kihnu đang phải đối mặt với một vấn đề. Đó là sự suy giảm dân số khi các cư dân đảo chuyển đi nơi khác do tình trạng thiếu việc làm. Thêm vào đó, sự thay đổi trong ngành công nghiệp đánh cá cũng đem đến những áp lực mới: đàn ông về ở nhà trong thời gian dài hơn, nhiều người thậm chí còn ở hẳn nhà. 

Bà Roosie Karjam, 83 tuổi, người đan móc nổi tiếng nhất trên đảo Kihnu cho biết, thay đổi lớn nhất trên đảo là những chiếc quần, bởi "phụ nữ Kihnu chẳng bao giờ mặc quần". Ảnh: Birgit Puve 

“Chúng tôi sẽ phải thương mại hóa, nhưng câu hỏi đặt ra là điều gì tốt nhất cho chúng tôi” – bà Mare Matas, chủ tịch Quỹ Không gian Văn hóa Kihnu (chuyên về quảng bá và bảo vệ lịch sử và truyền thống của người dân đảo thông qua các sự kiện, lễ hội và các sáng kiến giáo dục) cho biết. 

Bà Mare Matas, chủ tịch Quỹ Không gian Văn hóa Kihnu, đồng thời quản lý một nhà nghỉ, canh giữ đèn hải đăng, và là hướng dẫn viên du lịch trên đảo. Ảnh: Brigit Puve

Ở Kihnu có một thứ bậc ưu tiên rõ ràng trong xã hội: trẻ em, cộng đồng, và cuối cùng mới là đàn ông. 

“Chúng tôi có quan điểm hoàn toàn khác với người dân đất liền. Phụ nữ Kihnu luôn muốn điều tốt nhất cho gia đình, đặc biệt là cho bọn trẻ” – bà Maie Aav, giám đốc Bảo tàng Kihnu chia sẻ.  

Hai con gái của bà Mare Matas là Maria (9 tuổi, bên trái) và Anni (12 tuổi, bên phải) với con cừu đen của gia đình tên là Timofei. Ảnh: Birgit Puve 

Hòn đảo không dành cho mọi người, và phụ nữ trên đảo cũng không muốn rằng ai cũng có thể đến thăm đảo. Trên thực tế, sức hút của Kihnu chính là ở chỗ nó không dành cho du lịch đại trà.  “Du lịch đại trà không tốt cho Kihnu” – bà Aav nói. “Chúng tôi muốn du lịch văn hóa, với những người thực sự quan tâm đến văn hóa, đến lối sống của chúng tôi. Nếu họ quan tâm, họ sẽ được chào đón, nhưng họ phải chấp nhận nó”.

Một nhánh cây lớn chống trước cửa chính của một ngôi nhà có nghĩa là không có ai ở nhà. Những biển báo duy nhất trên đường phố là biển báo đường tới bốn ngôi làng trên đảo: Lemsi, Linakula, Rootsikula và Saare.

Con đường nối các ngôi làng trên đảo với nhau. Ảnh: Brigit Puve

Không có đèn đường, và cũng có rất ít đường trải nhựa. Không có dây chuyền sản xuất, không thương mại hóa, không có cây rút tiền ATM, không có nhà hàng mở cửa quanh năm, và đồn cảnh sát đầu tiên mới chỉ đang được xây dựng. Ở đây, du khách được coi là những vị khách chứ không phải người đi du lịch. 

Phụ nữ Kihnu mạnh mẽ đến nỗi luôn cảm thấy không có gì là không thể. Ở Kihnu có một điều có thể thấy rõ ràng, phụ nữ và nam giới không hề bình đẳng. Phụ nữ đã chứng minh họ có thể làm được mọi điều mà nam giới làm được, nhưng nam giới, ngược lại, không thể làm được tất cả những gì phụ nữ có thể làm.

Hillary Richard/nytimes.com 

(Hà Thu lược dịch)