Trải nghiệm

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong - Lan Thương (phần 7)

12:51 - 26/10/2020
Nếu như ở Việt Nam những ruộng muối chủ yếu được hình thành dọc các bờ biển, thì tại xã Nạp Tây, huyện Mang Khang, khu tự trị Tây Tạng, những cánh đồng muối hơn 1.000 năm tuổi lại nằm ngay sát bờ sông Lan Thương. Các ruộng muối này đã đem lại cùng lúc hai nguồn thu nhập cho người dân tộc Tạng địa phương, đó là bán muối và làm du lịch.

Từ thành phố Xương Đô, dòng Lan Thương tiếp tục chảy về hướng Đông Nam vào địa phận huyện Mang Khang thuộc Tây Tạng, nơi tiếp giáp của khu tự trị này với 2 tỉnh khác là Tứ Xuyên và Vân Nam.

Ruộng muối cổ của người Tạng bên dòng Lan Thương

Cách huyện lỵ Mang Khang hơn 100km, trên độ cao khoảng 2.300m so với mặt nước biển, dọc hai bờ Lan Thương là các ruộng muối đã có lịch sử khoảng 1.300 năm. Khu vực này thuộc địa phận thôn Gia Đạt, xã Nạp Tây. Đây cũng là nơi duy nhất ở Trung Quốc hiện vẫn lưu giữ cách làm muối thủ công hoàn chỉnh và nguyên thủy nhất. 

Chị Trát Tây Lạp Mẫu

Chị Trát Tây Lạp Mẫu (Zhaxi Lamu), người dân tộc Tạng, năm nay 28 tuổi, sinh ra trong một gia đình Tạng có truyền thống làm muối tại thôn Gia Đạt. Gia đình chị có 25 mảnh ruộng muối. Làm muối thu nhập không cao, nhưng vẫn là một nguồn sống quan trọng của gia đình chị.

Vào mùa mưa khoảng các tháng 7, 8 hầu như không có muối, bởi chỉ cần có chút mưa hay nước sông lẫn vào, muối sẽ bị cuốn đi hoặc không thể kết tủa. Còn đất bùn đỏ dùng để đắp ruộng làm muối thì phải gùi từ trên núi cao xuống.

Nếu giờ đây có sự khác biệt với cách làm muối truyền thống nghìn đời nay thì đó là việc dùng điện để hút nước từ các giếng lên từng mảnh ruộng thay vì gánh. Dọc bờ sông là khoảng 60 giếng chứa nước chảy từ trên núi xuống dùng để làm muối.

Muối đỏ và muối trắng 

Giới thiệu về các loại muối, chị chia sẻ: “Về cơ bản, chúng tôi ở đây có 3 loại muối là muối hoa đào màu trắng, muối màu đỏ và đỏ sẫm. Muối đỏ sẫm chúng tôi không dùng. Muối đỏ dùng để ngâm chân hoặc ướp thịt muối. Muối trắng dùng để ăn, không có i-ốt, là muối hoàn toàn tự nhiên.”

Sở dĩ gọi là muối hoa đào, vì loại muối này thu hoạch vào khoảng tháng 3, 4 hàng năm. Đây cũng là thời điểm thu hoạch muốn nhiều nhất và chất lượng cao nhất trong năm. Cứ 1 tuần có thể thu hoạch 1 lần. Còn thời điểm hiện nay, phải khoảng 25 ngày mới có thể thu hoạch và đa phần là muối đỏ.

Theo chị Trát Tây Lạp Mẫu, hiện vẫn còn nhiều người thích sử dụng loại muối thủ công này, bởi họ cho rằng nó tốt hơn muối biển. Còn những người dân làm muối như chị sẽ bán mặt hàng này sang các địa phương lân cận ở Tây Tạng hay Vân Nam, Tứ Xuyên để đổi lấy lương thực, như ngô, lúa mỳ... Phương tiện để chị đưa hàng những nơi gần là xe máy.

Ruộng muối nghìn năm giờ đã thành một điểm du lịch giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương

Đến nay, ruộng muối cổ tại Nạp Tây đã trở thành 1 điểm du lịch quan trọng tại địa phương. Khách tham quan sẽ phải mua vé với giá lên đến 90 tệ (hơn 300.000 đồng Việt Nam). Chị Trát Tây Lạp Mẫu giờ cũng kiêm cả vai trò hướng dẫn viên nếu khách có nhu cầu và thù lao cho mỗi lần như vậy là 100 tệ (khoảng 340.000 đồng Việt Nam).

Muối kết tinh thành cục lớn cũng dùng được bán cho khách du lịch, dùng để xoa lên những chỗ da bị ngứa hoặc mọc mụn

Không chỉ vậy, muối cũng được dùng để bán cho khách du lịch với nhiều loại sản phẩm, như muối trắng, muối đỏ, các loại kết tinh muối nhỏ và lớn. 

Ông Cách Tùng Đốn Đăng (Gesong Dundeng), Bí thư chi bộ thôn Gia Đạt cho biết: “Hiện thôn Gia Đạt chúng tôi có 2.775 mảnh ruộng muối. Mỗi mảnh thu hoạch 500kg/năm. Mỗi nửa cân chúng tôi bán được khoảng 1 tệ (khoảng hơn 3.400 đồng Việt Nam), như vậy được khoảng 1.000 tệ. Cả thôn thu nhập bình quân đầu người từ muối khoảng 8.000 tệ/năm (khoảng hơn 27 triệu đồng Việt Nam)”.

Bí thư chi bộ thôn Gia Đạt

Ông còn cho biết, khoảng 220 hộ trong thôn hiện đang duy trì việc làm muối truyền thống và đây vẫn là một nguồn thu nhập chính của họ. Mỗi năm toàn thôn có thể sản xuất khoảng gần 2 triệu kg muối, thu nhập từ 1,5 triệu đến 2 triệu tệ (khoảng 220.000 đến gần 300.000 USD).

Bên cạnh đó, mỗi năm thôn này còn đón khoảng 50.000 lượt khách du lịch. Nhờ đó, cũng giúp tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.

Tuy vậy, cũng có những năm nước Lan Thương dâng cao, khiến một phần ruộng muối bị ngập và người dân mất trắng, lần gần nhất là vào tháng 7/2007.

Ruộng muối

Nếu như bên dòng Cửu Long nơi hạ nguồn ở Việt Nam là những ruộng lúa vườn cây, thì ở cách đó hàng nghìn km bên bờ sông Lan Thương ở Tây Tạng, Trung Quốc đó là cánh đồng muối nghìn năm. Dù có lúc hiền hòa, khi cuồng nộ, nhưng dòng Mekong - Lan Thương vẫn là con sông đang đem lại nguồn sống cho hàng trăm triệu người dân sinh sống dọc 2 bên bờ.

Một số hình ảnh về ruộng muối cổ của người Tây Tạng bên dòng Lan Thương:

Muối kết tinh tại ruộng 

Người dân làm muối

Người dân vác muối đã thu hoạch

Những khoảnh ruộng muối và 1 bồn chứa nước dùng để làm muối

Ruộng muối sắp thu hoạch

Người dân Nạp Tây làm muối

Làm muối là một nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây

Một người dân bán muối cho khách du lịch 

Hai bên bờ sông Lan Thương ở xã Nạp Tây, huyện Mang Khang, khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc là cánh đồng muối nghìn năm

Sạp hàng sản vật địa phương của người dân Gia Đạt 

Toàn cảnh cánh đồng muối của người Tạng ở thôn Gia Đạt

Bích Thuận/VOV Bắc Kinh