Trải nghiệm

Những người gùi đồ trên các đỉnh ngàn sương Tây Bắc

09:34 - 17/12/2019
Leo núi khám phá (trekking) là hoạt động mới nở rộ thành phong trào ở Việt Nam trong khoảng 3-4 năm trở lại đây.

Porter – nghề mới của người dân miền núi 

Leo núi khám phá (trekking) là hoạt động mới nở rộ thành phong trào ở Việt Nam trong khoảng 3-4 năm trở lại đây. Thời gian trước đó, hầu như những người leo núi khám phá (trekker) đều thử sức ở một cung leo duy nhất là Fansipan - đỉnh núi cao nhất Đông Dương thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn vùng núi Tây Bắc của Việt Nam. Đến khi cáp treo lên đỉnh Fansipan hoàn thành, thu hút nhiều người dân lên tham quan, các trekkers bắt đầu tìm đến những ngọn núi có độ cao thấp hơn, nhưng có vẻ đẹp và hoang sơ tự nhiên hơn như Putaleng, Pờ Ma Lung, Bạch Mộc Lương Tử hay Pusilung… cũng nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn. Những cung leo trên những đỉnh núi này khó hơn, thời gian leo dài hơn cả leo Fansipan.

Các đoàn trekkers dù ít hay nhiều người đều phải có người dẫn đoàn đồng thời là nhà tổ chức, thông thường là những người trekker giàu kinh nghiệm. Và đồng hành cùng họ là những người gùi đồ kiêm dẫn đường (porter) trong suốt chuyến leo núi, thường kéo dài 2 ngày 1 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm vào rừng sâu, núi cao và những nơi hiểm trở hiếm người đặt chân tới.

Các porters đi cuối cùng - chốt đoàn trekker lên đỉnh Pờ Ma Lung 

Porters là người bản địa, thường là người dân tộc ít người. Những phẩm chất bắt buộc của người gùi đồ là sức khỏe tốt, dẻo dai, thông thuộc địa hình, địa mạo, và quan trọng không kém là có kinh nghiệm đi rừng dài ngày. Ở vùng Tây Bắc, đến nay, nhiều người bản địa, đặc biệt là người Mông và Dao đỏ, đã coi công việc porter là một nghề chính. Mỗi tháng họ đi khoảng 2-4 chuyến, thu nhập khoảng 300-500.000/người/ngày, tùy vào độ khó của cung leo. Cung leo núi khó nhất và nhì Việt Nam hiện là Pusilung và Pờ Ma Lung ở tỉnh Lai Châu với hành trình 3 ngày 2 đêm cho tổng quãng đường 60km và 40km leo núi, băng rừng và vượt suối.

Anh A Tỉnh, một porter người Mông cho biết anh và vợ thường xuyên đưa khách đi leo các cung Bạch Mộc Lương Tử và Putaleng. Từ đầu tháng 9 tới giữa tháng 12, A Tỉnh đã đi được tổng cộng 6 chuyến và năm ngoái riêng mình anh đi được khoảng 25 chuyến.

Các porters dẫn đầu đoàn khách chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử 

Theo anh Lãnh Văn Toan, người tổ chức và dẫn các tour leo các đỉnh núi ở Tây Bắc, thường các công ty hay các nhà tổ chức tour làm việc với một vài nhóm các porters thân thiết. Khi cần, các nhà tổ chức tours chỉ cần liên hệ với trưởng nhóm porters, đưa ra các yêu cầu về ngày leo, số lượng porters, số lượng đồ ăn, nước uống cần chuẩn bị cho chuyến đi. Trưởng nhóm sẽ chịu trách nhiệm đáp ứng tất cả các yêu cầu này.

“Tùy từng cung leo mà tôi sẽ liên hệ với một trưởng nhóm porter ở địa phương đó và đưa ra các yêu cầu để phục vụ khách. Thông thuờng cứ 2-3 khách sẽ bố trí một porter. Cá biệt có những đoàn không quen leo núi, họ sẽ yêu cầu mỗi một khách có một porter đi kèm”, anh Toan nói.

Các porters đang sắp xếp đồ của khách và đồ ăn chuẩn bị cho chuyến leo Bạch Mộc Lương Tử 3 ngày 2 đêm. Sau đó người tổ chức chuyến đi sẽ làm việc với trưởng nhóm porters để phân công ai mang gì và đi với nhóm khách nào trước khi xuất phát

Một porter trên đường dẫn khách đi Putaleng  

Mỗi porter sẽ gùi khoảng vào khoảng 20-30kg gồm đồ ăn và nước uống cho cả chuyến đi cũng như đồ của khách. Một số cung leo chưa có lán nghỉ các porters sẽ phải mang theo lều trại và túi ngủ. Thông thường, khách leo núi chỉ mang một balo nhỏ đựng nước, đồ ăn nhẹ và áo khoác nhẹ. Có một số du khách không quen leo thì nhờ porter mang hết đồ cho mình.

Theo anh Nguyễn Trung Kiên, một nhà tổ chức tour lâu năm hiện đang sống ở Sapa, anh thường phân công công việc chi tiết cho từng porter trước và trong chuyến đi. Đảm bảo an toàn và sức khỏe cho khách để họ có một trải nghiệm leo núi tốt nhất luôn là ưu tiên hàng đầu của những người tổ chức tour cũng như của các porters.

Thông thường anh Kiên sẽ phân công một số porters mang đồ đạc của khách vào lán nghỉ trước để dọn dẹp lán nghỉ, đun nước nóng cho khách tắm cũng như chuẩn bị bữa tối cho đoàn. Một số porter sẽ được bố trí dẫn các nhóm khách có khả năng leo khác nhau và luôn có 1-2 porters đi cuối cùng chốt đoàn.

Các porters hướng dẫn khách đi qua những đoạn đường khó 

Đảm bảo An toàn và Thưởng ngoạn thiên nhiên

Mùa leo núi thường bắt đầu từ tháng 9 năm nay đến hết tháng 4 năm sau. Thời gian này khí hậu mát mẻ, khô ráo, giúp cho người leo đỡ mệt và mất nước. Các loài hoa lá và cây rừng vào mùa trổ bông, khiến cho núi rừng thêm sắc màu rực rỡ. Thời tiết lạnh cũng làm cho biển mây trên các đỉnh núi đẹp hơn.

“Rất hiếm các đoàn leo trong dịp hè vì nắng nóng và mưa rừng, lũ quét, rất nguy hiểm cho người leo… Trong những tháng hè chúng tôi thường chỉ làm việc nhà”, A Hử, một trưởng nhóm porters người Mông nói.

Anh A Hử, sinh năm 1987, bắt đầu dẫn khách từ năm 2016. Các cung leo anh thường dẫn là Fansipan, Bạch Mộc Lương Tử và Pu Ta Leng. Ảnh chụp trong lần leo Putaleng đầu năm 2019 khi anh cho con gái 6 tuổi của anh đi cùng 

Có nhiều nhóm du khách trẻ đi đông người, nhưng chỉ thuê 1-2 porter dẫn đường và mang đồ ăn, còn họ tự mang đồ của mình. Đây là một sai lầm. Bởi theo anh Lãnh Văn Toan, chuyến leo không chỉ là để trải nghiệm, thử sức khỏe, mà còn là dịp thưởng ngoạn vẻ đẹp và sự hùng vĩ của thiên nhiên. Việc tự mang đồ của mình trong chuyến đi rất nặng nề và có thể gặp nguy hiểm khi leo đường núi, dẫn đến việc các bạn trẻ không còn có được trải nghiệm thú vị và cũng như thưởng ngoạn cảnh sắc của thiên nhiên như mong muốn.

Có trường hợp trekkers trẻ chủ quan về sức khỏe và quá tự tin vào khả năng đi rừng của mình đã không thuê porters, hoặc có porters nhưng lại không đi cùng. Hậu quả là bị lạc trên đường rừng, việc tìm kiếm kéo dài rất khó khăn, và khi được các porters tìm thấy, họ đang ở trong tình trạng hoảng loạn. Qua đêm trong rừng rất nguy hiểm cho tính mạng người bị lạc. Nhiệt độ trên núi cao hạ xuống rất thấp, trong khi đó các trekker khi leo núi thường chỉ mang theo mình một áo khoác nhẹ, chưa kể các mối nguy hiểm khác.

“Các bạn trẻ khi leo hãy thuê porters cho mình để có được trải nghiệm cũng như thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi rừng Tây Bắc tốt và an toàn nhất. Porters là người dẫn đường, người gùi đồ và là người bạn đồng hành hướng dẫn giúp du khách biết được về các loài cây, thú trong khu rừng cũng như chia sẻ về phong tục tập quán của người dân địa phương. Đây là những trải nghiệm không thể có nếu bạn không đi cùng các porters”, anh Toan chia sẻ.

Bên cạnh việc có thể gặp nguy hiểm khi bị lạc, có nhiều cung leo như Pờ Ma Lung hay Pusilung nằm ở vùng giáp biên giới với nước bạn Trung Quốc, nếu không đi theo porters, bạn có thể dễ dàng đi lạc sang bên kia biên giới và gặp rắc rối.

Porter đang dẫn du khách qua một con suối chảy xiết với các tảng đá lớn trong chuyến leo Pờ Ma Lung giữa tháng 11 vừa qua Các porters chuẩn bị bữa trưa trong lúc khách nghỉ 

Bên cạnh porters nam, một số đoàn leo có cả porters nữ khi đoàn có nhiều thành viên leo là nữ.

Một du khách đang được một nữ porter người Mông dắt tay trên đường từ đỉnh Fansipan xuống núi 

Trước đây chỉ có các trekkers người miền Bắc đi khám phá các đỉnh núi cao ở Tây Bắc. Tuy nhiên, núi cao và rừng sâu cùng sự huyền bí của các đỉnh núi Tây Bắc đã thu hút nhiều trekkers từ trong Nam ra tham gia chinh phục. Anh Kiên, người có hơn 20 năm kinh nghiệm đi rừng, ước tính hiện các trekkers từ trong Nam ra chiếm khoảng 40% tổng lượng khách tham gia chinh phục các đỉnh núi cao thuộc dãy Hoàng Liên Sơn.

Cũng theo anh Kiên, các trekkers từ mọi miền của đất nước nên chuẩn bị sức khỏe thật tốt và luyện tập kỹ trước khi leo. Nhiều trekkers đã chủ quan không luyện tập nên khi leo đã bị viêm đầu gối hoặc cổ chân và các porters đã phải dìu họ từng bước đi cả một quãng đường rất dài. Cá biệt có những du khách bị ngã hoặc chấn thương khi leo, các porters phải cáng họ xuống núi.

Porters luôn phải dậy sớm để chuẩn bị đồ ăn sáng cho khách. Họ cũng là những người đi ngủ sau cùng sau khi dọn dẹp đồ ăn và chuẩn bị đồ cho ngày leo hôm sau Các porters ngồi ăn tối với nhau sau khi đã lên hết đồ ăn lên cho du khách 

Nhiều người trong số họ gặp lại nhau sau gần 4 tháng hè khi không có khách đi tours nên ai nấy đều tay bắt mặt mừng. Nhiều người ngồi uống và tâm sự tới khuya.

Trong thời gian gần đây đã nảy sinh một số vấn đề liên quan tới porters trong các đoàn được dẫn bởi các hướng dẫn viên thiếu kinh nghiệm. Một số porters đã gây khó dễ cho du khách, đòi tiền nhiều hơn so với thỏa thuận hay không nhiệt tình hỗ trợ du khách.

Anh Kiên cho biết, cá biệt có một số porters đã xả hàng trên đường đi để đỡ phải khuân vác nặng dẫn đến việc thiếu đồ ăn hoặc nước uống cho khách. Có porters còn tìm cách cản trở chuyến đi như tư vấn dựng trại ở sai vị trí để sau đó khách không thể hoàn thành cung leo do không đủ thời gian dẫn đến việc khách buộc phải tự bỏ tour và porters không phải đi tiếp nhưng vẫn lấy đủ tiền công từ khách.

“Những người tổ chức tour như chúng tôi thường dành thời gian để chia sẻ và huấn luyện các anh em porters về ý thức bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm và tính kỷ luật trong việc phục vụ du khách. Chúng tôi không dùng những porters nào thiếu nhiệt tình và có thái độ gây khó dễ cho du khách. Tôi luôn nói với anh em là khi du khách có một trải nghiệm tốt họ mới tiếp tục đến với chúng ta và giới thiệu cho người khác, nhờ đó anh em sẽ có nhiều việc hơn, thu nhập ổn định và bền vững hơn”, anh Kiên chia sẻ.

Du khách chụp ảnh lưu niệm cùng porter 

Đức Hùng/ dantri.com.vn