Trải nghiệm

Trải nghiệm “con đường trong mây”

09:36 - 01/02/2020
Đèo Hải Vân bắt đầu nổi danh thế giới khi được chương trình chuyên về lái xe nổi tiếng thế giới Top Gear Special giới thiệu vào năm 2008.

Sau đó “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” được The Guardian (Anh) bình chọn vào danh sách 10 cung đường các lái xe nên đi qua để trải nghiệm khung cảnh nên thơ và cảm giác lái xe tuyệt vời.

Chí sĩ Trần Quý Cáp (1870 - 1908) đã dùng bút vẽ nên tác phẩm nổi tiếng “Vãn quá Hải Vân quan” được Khương Hữu Dụng dịch:

Chất ngất muôn trùng ải nổi danh,

Từng lên ngó xuống, ngẩng nhìn quanh.
Nắm tay hờn đấm tan mây trắng,
Con mắt sâu trông tít biển xanh.
Nắm tay hờn đấm tan mây trắng

Đèo Hải Vân còn có tên là đèo Ải Vân (vì trên đỉnh đèo xưa kia có một cửa ải) hay đèo Mây (vì đỉnh đèo thường có mây che phủ), có độ cao 500m (so với mực nước biển), dài 20km, cắt ngang dãy núi Bạch Mã (một phần của dãy Trường Sơn chạy cắt ra sát biển) ở giữa ranh giới tỉnh Thừa Thiên - Huế (ở phía Bắc) và TP Đà Nẵng. Chỉ nội câu "Đường bộ thì sợ Hải Vân/ Đường thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi" đã nói lên độ nguy hiểm khi đi qua con đèo này.

Khi xâm lược Việt Nam, người Pháp đã khai thông tuyến đường sắt bằng cách khoan hầm. Đến năm 2005, chúng ta lại tiếp tục khai thông hầm đường bộ để rút ngắn thời gian đi lại, bảo đảm an toàn (ngoại trừ xe bồn chở xăng dầu). Từ đấy đèo Hải Vân đơn thuần là địa chỉ cho những những người ưa du lịch khám phá, mạo hiểm.

 Đèo Hải Vân nhìn từ trên cao.

Đèo hấp dẫn du khách bởi bức tranh núi đồi trùng trùng điệp điệp hiện trong làn mây trắng, gây tò mò cho những tín đồ muốn chinh phục sự mới lạ và giới hạn của bản thân. Đến với Hải Vân, bạn sẽ chứng kiến những đoạn độ dốc đứng 45 độ, có những khúc cua rất ngặt và được ví như khúc ngoặt bất tử. Chắc chắn nơi đây không dành cho những người có bệnh sợ độ cao hay yếu tim.

Để khám phá Hải Vân, tốt nhất chúng ta chọn phương tiện xe đạp hoặc xe máy để tận hưởng những trải nghiệm khó quên. Đó là những cung đường men triền núi cheo leo, khi thì chìa lưng ra phía biển Đông bao la, khi uốn lượn vắt ngang lưng chừng mây trời. Nếu có thêm sự can đảm bạn sẽ tận hưởng cảm giác tuyệt vời khi nghiêng người đổ dốc qua các khúc cua. Nếu có “dẫn đoàn” kinh nghiệm thì hãy đổ đèo trong thời tiết mưa gió, sương mù mờ ảo, bằng không lời khuyên cho bạn là chịu khó cuốc bộ cho an lành.

Trên đỉnh đèo có một cửa ải gọi là Hải Vân Quan, đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia là nơi các phượt thủ dừng chân nghỉ ngơi. Hải Vân Quan là một cửa ải được xây dựng với mục đích quân sự có nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, pháo đài… vào thời nhà Trần. Ngồi nghỉ đỉnh đèo, thưởng thức những chén trà nóng của những quán nhỏ chuyên phục vụ khách du lịch bạn sẽ thấy sự thú vị đến nao lòng.

Đến thời nhà Nguyễn, Hải Vân Quan được tu sửa, cửa quay mặt về phía Quảng Nam có đề tên là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, cửa quay về phía Thừa Thiên có đề tên là “Hải Vân Quan”. Đứng từ đây bạn có thể thấy dãy Bạch Mã ẩn hiện sau làn sương mờ, cùng vịnh Lăng Cô với bãi cát trắng trải dài. Đúng là “Nắm tay hờn đấm tan mây trắng/ Con mắt sâu trông tít biển xanh”.

Ngoảnh nhìn về phía nam xa xa toàn bộ cảnh đẹp của TP Đà Nẵng, con sông Hàn kiêu hãnh uốn quanh, bán đảo Sơn Trà nhô ra biển hay đảo Cù Lao Chàm hiên ngang như dáng đứng người xứ Quảng bao đời này. Đèo Hải Vân cũng chính là rào dậu tự nhiên phân chia, ngăn cách những ảnh hưởng văn hóa, khí hậu giữa 2 kiểu thời tiết đặc trưng đối lập nhau của phía Bắc và phía Nam.

Ló thấy Hành Sơn tỏa khí lành

Suốt hành trình phượt trên 20km, tại bất cứ địa điểm nào bạn cũng có thể đắm mình vào bức tranh thiên nhiên tràn ngập sắc xanh của lá, của núi rừng, màu xanh dương của biển cả, của bầu trời. Khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, đất trời chính là món quà tặng cho những chàng trai, cô gái dũng cảm.

Bạn cũng có thể chiêm ngưỡng "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" (danh hiệu mà Lê Thánh Tông đặt cho nơi đây) bằng đường sắt. Cung đường sắt Hải Vân nằm ở phía Đông trục đường bộ (Quốc lộ 1), sát biển, đi trên triền núi, qua 18 cầu và 6 hầm chui, trong đó hầm ngắn nhất là 85m, hầm dài nhất là 600m.

Với độ dốc lớn, nhiều khúc quanh co với bán kính đường cong chỉ 1.000m, độ dốc 17% nên không thể chạy tàu với tốc độ cao. Khu vực đèo có 5 ga, trong đó các ga Kim Liên và Lăng Cô nằm hai bên chân đèo còn các ga Hải Vân Nam, Hải Vân, Hải Vân Bắc thuộc đèo.

Qua ô cửa số con tàu, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những vách núi dựng đứng ở phía Tây và biển Đông ngay sát dưới chân, từ cửa sổ toa tàu có thể nhìn thấy cả đoàn tàu đang uốn lượn hệt con rắn trườn men theo triền núi.

Khi tàu qua hầm, bạn sẽ cảm nhận sự se lạnh của phía bắc đèo. Không cần máy ảnh xịn, bạn vẫn có được bộ ảnh tuyệt đẹp khi đến với “con đường trong mây” bởi nơi đây tạo hóa đã chuẩn bị sẵn cho những người dũng cảm những khung cảnh mà hiếm nơi nào có được. Hãy xách ba lô đến với Hải Vân để biết vì sao vua Lê Thánh Tông lại ban tặng nơi đây danh hiệu “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Theo kinhtedothi.vn