Văn hóa

10 năm Di sản UNESCO, nhiều vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn Hoàng thành Thăng Long

00:26 - 24/11/2020
10 năm sau ngày được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, Hoàng thành Thăng Long vẫn còn nhiều việc phải làm trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.

Lễ kỷ niệm 10 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới được tổ chức long trọng tại Điện Kính Thiên

Sáng 23/11, nhân ngày Di sản Việt Nam, tại điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa thế giới. 

Nhiều tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc Diễn xướng Chầu Văn tại không gian di sản Hoàng thành Thăng Long

Tại lễ khai mạc, ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội kể lại dấu mốc lịch sử vào đúng 20h30 (theo giờ Brazil) ngày 31/7/2010 (6h30 theo giờ Việt Nam) ngày 1/8/2010, Kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới tại Brasilia, Brazil đã nhất trí thông qua Nghị quyết công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội – Việt Nam là Di sản văn hóa thế giới. Những năm qua, Trung tâm Bản tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã đạt được những thành tích đáng kể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của quần thể này, từ lúc phát lộ cho đến thời điểm mở cửa phục vụ khách tham quan vào năm 2004.

Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phát biểu tại lễ kỉ niệm

Trung tâm đã và đang tiến hành những nghiên cứu chuyên sâu về bảo tồn di sản, trong đó tập trung xây dựng Đề án nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên, tiến hành khai quật khảo cổ tại khu di sản theo lộ trình để thám sát, góp phần nhận diện rõ hơn diện mạo các kiến trúc, công trình trong khu vực Cấm thành Thăng Long. 

Đáng chú ý, năm 2020, lần đầu tiên Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đưa vào ứng dụng một màn hình tương tác diễn giải lịch sử về quần thể di tích này để giúp khách tham quan có những trải nghiệm chân thực nhất và khám phá sinh động nhất. Cho đến nay, gần 20 năm từ ngày phát lộ những vết tích khảo cổ đầu tiên, Hoàng thành Thăng Long đã được Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là 1 trong 7 “điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam.”

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long 

Tại buổi lễ, Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam Michael Croft ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các cam kết với UNESCO về gìn giữ, phát huy các giá trị di sản tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. 

Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam Michael Croft ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các cam kết với UNESCO

“Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Hoàng thành Thăng Long như các cam kết với UNESCO. Tôi đặc biệt đề cao vai trò của Hội đồng cố vấn khoa học, nơi tập trung những nhà khoa học, những chuyên gia đầu ngành từ kiến trúc, khảo cổ học cho tới quản lý. Tôi cho rằng chưa có khu di sản nào tại Việt Nam có được ưu thế này. Thời gian tới, UNESCO mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác bảo tồn Hoàng thành Thăng Long, đặc biệt trong việc duy trì vai trò của Hội đồng cố vấn khoa học để nâng cao hiểu biết về những giá trị còn chưa được phát lộ của di sản, và tiếp tục chính sách thúc đẩy giáo dục di sản để kết nối thế hệ trẻ với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.”

Là thành viên của Hội đồng cố vấn khoa học Hoàng thành Thăng Long, TS – Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Việt Nam khẳng định, Hoàng thành Thăng Long là công trình kiến trúc đồ sộ trong quá trình phát triển không chỉ của Hà Nội mà còn của cả Việt Nam. 

TS – Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Việt Nam, thành viên Hội đồng cố vấn khoa học Hoàng thành Thăng Long

“Trong quá trình làm hồ sơ đệ trình lên UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa thế giới, chúng tôi đã nghiên cứu, thảo luận rất nhiều với giới chuyên gia quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc. Họ cũng đặt vấn đề là Hoàng thành Thăng Long có gì khác với kiến trúc cung điện của Trung Quốc. Chúng tôi đã phải diễn giải, minh chứng bằng rất nhiều tài liệu, hiện vật để minh chứng Hoàng thành Thăng Long có tham khảo, rút kinh nghiệm nhưng trên hết đó là quần thể di tích mang rõ bản sắc văn hóa của Việt Nam và cuối cùng họ phải thừa nhận là Hoàng thành Thăng Long mang một giá trị truyền thống của Việt Nam, xứng tầm là Di sản văn hóa thế giới.

Thời gian qua, chúng ta đã đạt được một số thành tựu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, nhưng chủ yếu mới chỉ là nhận diện giá trị vốn có của nó trong tiến trình lịch sử kéo dài hơn 13 thế kỉ nằm giữa trung tâm thủ đô. Vấn đề là chúng ta phải có những giải pháp để minh chứng đây là một không gian sáng tạo, đặc thù của Việt Nam mà hiếm có nơi nào trên thế giới có được. Muốn vậy, chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt phải nghiên cứu nhiều hơn. Nghiên cứu ở đây không chỉ là công tác khảo cổ để quảng bá những giá trị vật thể mà chúng ta phát hiện được mà cần phải so sánh với không gian di sản văn hóa khác của thế giới để thấy rằng quy hoạch kiến trúc Hoàng thành Thăng Long khác hẳn so với các nước."

Nhà sử học Lê Văn Lan nhận định còn nhiều việc phải làm để phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long

Nhấn mạnh vị thế của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình phát triển của thủ đô, Nhà sử học Lê Văn Lan nhận định dù làm được những thành tựu đáng kể nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để phát huy giá trị di sản này, thể hiện qua việc quản lý di sản. 

“Tính từ năm 2002 khi những phát hiện đầu tiên về khảo cổ học ở vùng này được xuất lộ, nghĩa là gần 20 năm, cùng với niềm tự hào về di sản cũng tồn tại những băn khoăn, phức tạp. Chỉ nói riêng về việc quản lý khối di sản này thì đã cho thấy sự chồng chéo giữa Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch, Thành phố Hà Nội, Bộ Quốc phòng... đã vô hình làm nên một hệ thống quản lý khó khăn. 

Chúng ta vẫn chưa thể thực sự hài lòng từ việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy và quảng bá giá trị di sản, gần ấy công việc thì 10 năm, nếu tính về thời gian vật lý thì có thể là dài, nhưng thời gian cụ thể cho công việc thì rất ít. Nói vậy để thấy chặng đường bảo tồn và phát huy giá trị di sản này vẫn còn nhiều điều phải làm...”

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong công tác quản lý, bảo tồn phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng LongChủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trao bằng khen của UBND TP Hà Nội cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long Các đại biểu cắt băng khai mạc khai mạc Khu trưng bày “Khu đô thị cổ Provins (Pháp) – Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội: Di sản văn hóa trong lòng đô thị”.

Anh Vũ