Văn hóa

Gặp nguyên mẫu nàng Komako trong chuyện tình kinh điển "Xứ Tuyết"

09:46 - 11/12/2018
Xứ Tuyết, cái tên nghe thật xa xăm và xưa cũ là sức hút khiến tôi tìm đến vùng đất này vào một ngày cuối đông.

Nguyên mẫu nàng Komako năm 18 tuổi

Yuzawa, thị trấn núi lưu giữ kỷ niệm về Xứ Tuyết

Ngồi trên tàu Shinkansen vun vút lao lên hướng bắc Nhật Bản, tôi giở cuốn truyện đã ố vàng theo thời gian, lần đọc từng trang câu chuyện tình bi thương đã làm say đắm biết bao độc giả trên thế giới.

Con tàu đi ra khỏi đường hầm sâu hun hút, và đây đã là vùng băng tuyết. Mặt đất trải dài trắng bạc dưới màn đêm”. Có lẽ vị khách nào tìm đến Yuzawa với mục đích như tôi cũng đều chăm chú ngó qua cửa sổ khi tàu vào đến đoạn đường hầm cuối cùng. Đường hầm sâu hun hút, hai bên cửa sổ chỉ một màu tối đen. Và cảm giác hứng khởi một cách tò mò ập đến khi những tia sáng đầu tiên ló ra. 

Thị trấn Yuzawa nằm trong thung lũng bốn bề là núi

Xứ Tuyết đây rồi. Yuzawa - thị trấn nằm giữa thung lũng bốn bề là núi, thuộc tỉnh Niigata, Nhật Bản. Những ngọn núi phủ tuyết trắng bạc, dù dưới trời mưa vẫn ngời lên thật dịu dàng. Và dưới tuyết, thị trấn như thu mình lại, như che giấu một thế giới khác, một thế giới huyền ảo của cái đẹp mà Kawabata vẽ nên trong Xứ Tuyết. 

Tuy Yuzawa bây giờ đã khác xưa, nhiều khách sạn cao tầng mọc lên thay thế cho những lữ quán kiểu Nhật, nhưng ở đây vẫn lưu giữ tất cả những gì còn liên quan tới câu chuyện tình giữa chàng tài tửTokyo Shimamura đến với hai người phụ nữ tên là Komako và Yoko, và đặc biệt là liên quan tới tác giả của cuốn sách, nhà văn Kawabata Yasunari. 

Những dấu ấn đó lưu lại rõ rệt nhất tại hai địa điểm: Bảo tàng Lịch sử Yuzawa và Lữ quán 800 năm tuổi Takahan.

Nhiều đoàn làm phim đã dựng phim dựa trên Xứ Tuyết của Kawabata, trong đó phim của đạo diễn Shirô năm 1957 đã được đưa đi tranh giải Cành Cọ Vàng năm 1958. 

Bảo tàng Lịch sử Yuzawa

Bước ra khỏi cửa ga phía tây, rẽ theo con đường bên phải chừng vài trăm mét là tới Bảo tàng Lịch sử thị trấn Yuzawa, tiếng Nhật là Yukiguni-kan. Bảo tàng là một ngôi nhà 3 tầng, bề ngoài trông có vẻ cũ kỹ và lạnh lẽo. Tuy nhiên, bước chân vào trong sẽ gặp ngay một không gian ấm cúng, trưng bày rất nhiều hiện vật nói về cuộc sống của người dân địa phương, đặc biệt là dưới thời Showa, là thời gian diễn ra câu chuyện trong cuốn sách. 

Những bức ảnh tư liệu cho thấy, vào tháng Chạp, tuyết rơi dày đến 3 thước, những con đường bị tuyết vùi kín, người dân phải cào những lối nhỏ giữa đường, tuyết cào sang hai bên cao quá đầu người, trông như những đường hào. Nghe nói các thôn trong làng phải phân công nhau đào tuyết dọn đường đi. Thỉnh thoảng tuyết rơi dày ngập đến tận mái nhà, lại phải dùng xẻng đào tuyết để mở lối ra. Ở những lữ quán có suối nước nóng, họ đào các con mương quanh nhà và tháo nước tắm nóng vào đó cho chảy tràn để chống tuyết đọng. Nhà kiểu truyền thống ở Nhật làm bằng gỗ nên mùa đông rất lạnh, vì vậy giữa nhà thường có một bếp lửa. Các hoạt động chính của gia đình diễn ra quanh bếp lửa này. 

Thị trấn Yuzawa dành riêng một tầng trong bảo tàng Lịch sử của địa phương để trưng bày các vật dụng nhà văn Kawabata đã từng dùng khi ở Yuzawa, như chiếc kimono và áo haori khoác ngoài, chiếc đồng hồ quả quýt đắt tiền hiệu Tiffani, bộ tách uống sake mà nhà văn thích dùng để uống trà, và chiếc tách ông dành riêng để mời khách... 

Gian phòng chứa các kỷ vật liên quan tới Kawabata trong bảo tàng thị trấn Yuzawa

Cũng tại đây, người ta dựng lại một căn phòng nhỏ, căn phòng của 1 geisha có thật tên là Matsuei, nguyên mẫu của nhân vật Komako. Trong bộ kimono ba màu giản dị, tóc vấn cao, cổ áo sau trễ nải để hở chiếc gáy trắng ngần, Matsuei ngồi bên bàn uống trà ngóng ra phía rặng tuyết tùng sẫm đen dưới thung lũng tuyết phủ, và xa xa là những đỉnh núi cũng phủ tuyết ngời lên dịu dàng trong ánh sáng.

Tấm áo choàng của Matsuei, nguyên mẫu nhân vật Komako, nàng kỹ nữ khiến chàng Shimamura say đắm

Lữ quán Takahan 

Cách bảo tàng gần 2 cây số, dần lên lưng chừng núi là ngôi lữ quán Takahan 800 năm tuổi, nơi nhà văn viết nên Xứ Tuyết. Cuộc gặp gỡ của ông với một kỹ nữ ở đây là nguồn cảm hứng cho ông viết tác phẩm này. 

Lữ quán nằm trên núi, nhìn xuống thung lũng trải dài tới những rặng núi xa. Đây là khách sạn có lịch sử lâu đời nhất ở Yuzawa. Người chủ hiện nay là chủ nhân đời thứ 36 của lữ quán. "Tổ tiên của chúng tôi đã phát hiện ra nước suối nóng ở đây, và đã đến đây sinh cơ lập nghiệp.” Bà chủ quán ngoài 70 tuổi cho biết.

Lữ quán Takahan 800 năm tuổi vào năm 1905

Lữ quán Takahan năm 1935, thời gian Kawabata bắt đầu đi lại giữa Tokyo và Yuzawa để viết Xứ Tuyết

Kawabata ngoài cùng bên phải ảnh

Năm 1934, lần đầu tiên nhà văn tới lữ quán và trong vòng 3 năm sau đó, ông đi lại nhiều lần để viết tác phẩm Xứ Tuyết. Ngày xưa, ở các lữ quán Nhật bản, buổi tối người ta thường mời geisha đến phòng khách chơi. Từ một nàng geisha ở đây, Kawabata đã nảy ra cảm hứng để viết tác phẩm. Viết xong từng đoạn, ông lại gửi đến báo qua đường bưu điện. Trước khi xuất bản thành sách, Xứ Tuyết đã được đăng nhiều kỳ trên báo, cho tới năm 1947 thì hoàn thành.

Lữ quán ngày nay là một tòa nhà bề thế, hiện đại

nhưng vẫn giữ nguyên phong cách nội thất có từ thời Showa đầu thế kỷ

Nguyên mẫu của người con gái xinh đẹp Komako là một người có thật

Nàng geisha đã gợi cảm hứng cho Kawabata viết nên những áng văn thuần chất Nhật Bản, vẽ nên cái đẹp hư ảo từ nơi Xứ Tuyết chính là Matsuei. 

Gia đình nghèo, bà đi học làm geisha từ năm 13 tuổi. Năm 1934 bà gặp Kawabata. Tới năm 1937 bà giải nghệ, lấy chồng làm nghề thợ may kimono. Bà hầu như không nói gì về mối quan hệ với Kawabata, kể cả khi ông đoạt giải Nobel và khi ông qua đời sau đó. Tuy nhiên, sau khi bà qua đời, chồng bà nói rằng, tuy Xứ Tuyết là tác phẩm văn học nhưng hầu như tất cả đều là chuyện thật. 

Nguyên mẫu nhân vật Komako bên phải ảnh. Ảnh chụp năm 1935, khi bà tròn 20 tuổi 

Khi Kawabata được giải Nobel, nhiều người đã đến thăm bà. Sau khi bà qua đời, chồng bà đã tìm thấy rất nhiều bài viết trên báo liên quan đến Yuzawa được bà cắt ra và giữ kín. Chồng bà cho rằng, bà đã rất nhớ Kawabata, nhưng bà chôn chặt bí mật đó trong lòng để sống hạnh phúc và hòa thuận với chồng cho đến tận cuối đời./.

Lương Anh