Văn hóa

"Làng Chăm" ở Bình Dương vui đón Tết Nguyên đán

17:47 - 16/01/2020
Mặc dù lễ hội Roya Haji mới là tết cổ truyền của người Chăm theo đạo Hồi (Islam), song nhiều năm qua, Tết Nguyên đán cũng đã trở thành tết cổ truyền thứ hai của bà con dân tộc Chăm. Trong những ngày này, mọi người tất bật làm bánh, dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón chào năm mới.

Người Chăm ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương có khoảng 120 hộ dân và hơn 600 nhân khẩu. Gọi là làng Chăm bởi đa số người dân nơi đây là người Chăm theo đạo Hồi từ Châu Đốc (An Giang) về sinh sống. Nhờ chăm chỉ lao động nên đời sống vật chất của bà con ngày càng đi lên, đời sống tinh thần cũng trở nên đa dạng phong phú. Đến với làng Chăm những ngày giáp Tết, điều dễ dàng nhận thấy là những ngôi nhà trên trục đường chính và các lối nhỏ trong làng đều được dọn dẹp, trang hoàng đẹp mắt. Nhiều gia đình còn chuẩn bị gạo, nếp, trứng gà để làm các món bánh truyền thống của bà con người Chăm ở Bình Dương như: bánh ba lỗ, bánh bông lan… để đón khách tới thăm nhà. 

Người Chăm dọn nhà đón Tết Nguyên đán 

Ngày Tết Nguyên đán của người Chăm mang những nét riêng của đồng bào dân tộc mình, khi mọi người ăn mặc đẹp, cùng nhau đến Thánh đường cầu nguyện. Họ không quên giáo dục con cháu, ôn lại một năm đã qua với những việc làm được, chưa được để năm tới phấn đấu hơn nữa. 

Ông Salim, Phó Giáo cả Thánh đường Hồi giáo ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng cho biết hiện nay ngoài làm kinh tế tại địa phương, rất nhiều con cháu người Chăm rời làng đến làm công nhân tại các công ty ở Bình Dương, Bình Phước. Tết đến, mọi người cùng trở về làng, đoàn tụ cùng gia đình đón năm mới với những việc làm ý nghĩa. 

So với trước đây, cuộc sống người Chăm tại xã Minh Hòa đã có nhiều thay đổi. Các tuyến đường chính vào làng Chăm đã được bê tông hóa, những căn nhà khang trang mọc lên san sát, hầu như nhà nào cũng có xe máy, tivi, một số gia đình còn có cả ô tô… Để đạt được kết quả đó, chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho người Chăm vay vốn sản xuất, tập huấn khoa học kỹ thuật, đồng thời đưa nước sạch, điện thắp sáng đến tận nhà cho người dân.  

Con đường chính dẫn vào làng Chăm đã được trải bê tông, mở rộng 

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng cho biết, người Chăm rất siêng năng và cố gắng làm ăn nên trong làng đã có nhiều hộ khá, giàu, do đó tỷ lệ hộ nghèo giảm, hiện chỉ còn 2 hộ. Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, địa phương cũng đã vận động nhiều phần quà để trao tặng cho người Chăm, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để mọi người vui đón Tết.

"Hiện nay, người Chăm trên địa bàn xã có đời sống kinh tế ổn định, từ đó họ tích cực tham gia đóng góp cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Sự giao thoa giữa người Chăm, người Kinh rất bình đẳng, không có sự phân biệt, mọi người cùng tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ”.

Chính quyền địa phương đến thăm, tặng quà Tết cho các gia đình dân tộc Chăm 

Tết Nguyên đán không chỉ là dịp sum họp gia đình, mà còn là cái tết chung của tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em. Mọi người cùng chung sống thuận hòa, đoàn kết, nghĩa tình trên dải đất Việt Nam thân yêu./.

Thiên Lý/VOV TP.HCM