Văn hóa

Mường Và có đặc sản nếp tan thơm ngon có tiếng

15:37 - 08/02/2021
Mường Và là xã trồng lúa nếp tan lớn nhất huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, với diện tích hơn 200ha. Hạt gạo nếp tan Mường Và to, tròn, trắng, khi xôi lên có độ dẻo thơm rất đặc trưng. Vì thế, giống nếp này đã trở thành giống lúa đặc sản nổi tiếng của huyện Sốp Cộp.

Bà Lò Thị Pâng, người cao tuổi ở bản Mường Và, xã Mường Và cho biết: "Không biết gạo nếp tan Mường Và có từ bao giờ, từ thời cha ông đã có giống nếp này, rồi cứ vậy, thế hệ này để lại cho thế hệ sau, bà con gọi là khảu tan nhe (nếp tan)."

Lúa nếp tan Mường Và vào vụ chín

Nếp tan Mường Và có loại tan Hin, tan Nhe, tan Đỏ. Đây là những giống lúa địa phương được các thế hệ người Thái, người Lào ở đây gìn giữ, để lại cho con cháu đến bây giờ. Với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với giống lúa đã tạo nên hạt gạo nếp tan có tiếng thơm ngon, cho năng suất bình quân từ 4,5-5 tấn/ha. Với diện tích gieo cấy hơn 200ha, sản lượng thóc nếp của xã đạt trên 900 tấn thóc một năm. Đặc biệt, nếp tan Mường Và có hạt to tròn, mẩy, khi đồ xôi, hoặc nấu cơm nếp rất thơm dẻo để một hai hôm không cứng. 

Hằng năm, bà con bắt đầu gieo mạ từ cuối tháng 4, cấy vào tháng 6, 7 và thu hoạch từ trung tuần tháng 10 đến tháng 11. Quy trình trồng nếp tan đòi hỏi ruộng phải cày bừa kỹ sau 1-2 tháng mới gieo cấy và không cấy dày. Vào mùa, cả cánh đồng Mường Và ngào ngạt hương thơm đặc trưng của giống nếp tan, như mời gọi du khách phương xa đến với nơi này. 

Gạo nếp tan Mường Và

Anh Lò Văn Diệm, Trưởng bản Mường Và, xã Mường Và cho biết: “Ban quản lý bản tuyên cho cho bà con nông dân tiếp tục nhân giống, không được bỏ, vì giống lúa này nó gắn liền với dân tộc Lào ở mảnh đất Mường Và. Nhất là dịp Tết Nguyên đán thì dùng để gói bánh chưng, còn Tết Lào thì dùng để gói (khảu hó), ăn rất thơm ngon, nên không thể thiếu được”.

Nếp tan Mường Và thơm dẻo là vậy nên từ xa xưa đến nay, gạo này không chỉ để phục vụ cho bữa ăn thường ngày của mỗi gia đình, các dịp vui bản, vui mường, làm khảu hó thờ cúng tổ tiên ngày Tết, mà còn được coi như một sản vật quý của bà con nơi đây dùng làm quà biếu du khách gần xa. Hoặc chia sẻ khi có đồng bào ở bản trên, mường dưới đến xin giống lúa.

Bánh chưng gói từ nếp tan Mường Và

Mỗi dịp Tết đến xuân về, trong các gia đình người Thái, người Lào ở Mường Và, nhà nào cũng phải dự trữ gạo nếp tan này để gói bánh chưng thờ cúng tổ tiên, ăn trong dịp Tết. Nếp tan Mường Và kết hợp cùng thịt ba chỉ lợn, đỗ nho nhe, lạc, lá dong rừng tạo nên những chiếc bánh chưng thơm dẻo đặc biệt chỉ có ở Mường Và. Ai đã từng có dịp thưởng thức hương vị gạo nếp tan gói bánh chưng chắc chắn sẽ rất khó quên. 

“Món bánh chưng thì ở đâu cũng gói nhưng ở trên này thì có một vị rất riêng. Bánh được gói từ gạo nếp tan của đất Mường Và, ăn rất ngon, còn có cả thịt lợn bản, nó rất là thơm, thơm cả mùi của đỗ, lá dong nữa, ăn rất là dẻo, có vị rất đặc trưng”- Bạn trẻ Lê Kim Ngân, một du khách đến từ Hà Nội cảm nhận như vậy.

Bánh chưng được gói từ nếp tan Mường Và 

Theo bà Tòng Thị Kiên, phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho biết: “Để đảm bảo cho nếp được thơm ngon thì chúng tôi cũng đã có một vùng sản xuất riêng, không để lai tạp với giống nếp khác, mang thương hiệu riêng của nếp tan huyện Sốp Cộp. Và không chỉ sử dụng ở trên địa bàn của mình, gạo nếp tan còn mang giá trị hàng hoá cao, lưu thông trên thị trường, và nó cũng là món quà rất có ý nghĩa để biếu du khách thập phương được biết đến”.

Lúa nếp tan Mường Và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu bảo hộ và được chọn là một trong 20 sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La. Đây là niềm vui, cũng đặt ra trách nhiệm cho chính quyền và người dân ở đây tiếp tục gìn giữ, phát huy, đưa hương thơm sản phẩm nếp tan Mường Và bay xa hơn nữa.

Tòng Đức Anh/VOV Tây Bắc

Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV