Văn hóa

Ngày Thất tịch, ngày lễ của tình yêu và tôn vinh văn hóa truyền thống ở Trung Quốc

17:48 - 07/08/2019
Mùng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm, tức ngày Thất tịch có nguồn gốc từ Trung Quốc, là ngày duy nhất Ngưu Lang - Chức Nữ được gặp nhau trong một năm, nên được gọi là Ngày Tình yêu phương Đông hay Valentine Châu Á. Trong ngày này, bên cạnh tôn vinh tình yêu, giờ đây những hoạt động văn hóa truyền thống ngày càng được quan tâm ở Trung Quốc.

Người dân tô màu lên ô tại Lễ hội ở Bắc Kinh. Ảnh: mạng Nhân dân 

Với ý nghĩa là ngày tình yêu, trong ngày Thất tịch, nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ muốn tặng cho người mình yêu một món quà ý nghĩa. 

Anh Trương, một người dân Bắc Kinh chia sẻ: "Tôi định mua về nhà một bó hoa khô, rồi mua cho bạn gái hoa hồng. Cô ấy thích màu vàng nên tôi đến đây xem."

Không đến tận nơi mua hoa như anh Trương, nhiều người đã chọn đặt qua mạng. Cô Lý, chủ một tiệm hoa cho biết: "Thường thì khách đặt hoa qua wechat, cũng có đến tận nơi. Đến giờ đã có hơn 10 khách đặt rồi, chủ yếu đặt đúng ngày."

Cùng nhau ăn một bữa cơm đầm ấm cũng là cách đón ngày tình yêu của không ít người. Chị Ngô nói: "Mỗi năm chỉ có một ngày Thất tịch. Tôi sẽ làm một bữa cơm cho anh ấy, bởi các thứ quà dường như đều đã tặng cả rồi."

Các sản phẩm truyền thống tại lễ hội. Ảnh: mạng Phương Nam 

Không chỉ tôn vinh tình yêu đôi lứa, ngày Thất tịch ở Trung Quốc còn có tên là Tiết Khất Xảo hay Tiết Nữ Nhi, tức ngày lễ của phái nữ, nhằm cầu Chức Nữ giúp cho mình được khéo tay may vá. Với ý nghĩa đó, Viên Minh Viên, một công viên có tiếng ở thủ đô Bắc Kinh đã tổ chức các hoạt động truyền thống trong ngày này, như: thi xâu kim, gấp hình bằng giấy, làm thơ, tô màu lên những chiếc ô....

Ông Lý Hướng Dương, phó phòng quản lý Viên Minh Viên cho biết: "Hoạt động này được tổ chức theo Ung Chính thập nhị nguyệt lệnh Viên Minh Viên hạnh lạc đồ. Theo đó, mỗi tháng đều có một hoạt động văn hóa và chúng tôi đã tái hiện lại lễ Thất tịch trong tháng 7 của Hoàng gia thời thịnh trị. Mục đích là phát huy văn hóa truyền thống, giúp khách du lịch có nhiều trải nghiệm hơn, cũng như nâng tầm thương hiệu của Viên Minh Viên và sức ảnh hưởng của hoạt động này."

Cũng với mong muốn giúp người dân và khách thập phương hiểu và yêu văn hóa truyền thống, thành phố Quảng Châu đã tổ chức Lễ hội văn hóa Khất Xảo từ nhiều năm nay với các hoạt động như: mặc trang phục truyền thống dân tộc Hán, mô phỏng cầu Ô Thước để người dân treo đèn lồng ước nguyện, chơi các trò chơi dân gian thể hiện sự khéo léo của các cô gái.

Những cô gái trong trang phục truyền thống treo đèn ước nguyện ở Quảng Châu. Ảnh: mạng Phương Nam 

Một bạn trẻ trong trang phục truyền thống tham dự Lễ hội chia sẻ: "Tiết Khất Xảo là một trong những ngày lễ truyền thống của Trung Quốc. Trong ngày này mặc trang phục thời Hán thể hiện tính nghiêm túc, cũng như sự tôn trọng đối với ngày lễ truyền thống."

Kể từ khi được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đợt đầu của Trung Quốc năm 2006 đến nay, Ngày Thất tịch đã giúp cho ngành "kinh tế lãng mạn" (các hoạt động chi tiêu trong những ngày lễ lãng mạn) của Trung Quốc thêm phần khởi sắc. Và giờ đây, ngày càng nhiều người hiểu rằng, không chỉ có phát triển kinh tế, dấu ấn văn hóa mới là điều làm nên hồn cốt của một ngày lễ truyền thống thực thụ./.

Bích Thuận/ VOV Bắc Kinh