Văn hóa

Người già Trung Quốc tìm kiếm hạnh phúc mới

23:34 - 10/10/2019
Tại Trung Quốc, người già tái hôn thường gặp phải sự phản đối từ con cái và thậm chí có thể là mục tiêu của những kẻ cơ hội. Tuy nhiên, không phải tất cả đều như vậy. Nhiều người già đã tìm thấy hạnh phúc mới của mình.

Người cao tuổi khiêu vũ ở công viên Changpuhe, Bắc Kinh. Ảnh: Wang Jing/ China Daily

Cụ Fu Cheng 72 tuổi, trong khoảng sáu năm qua, thường xuyên đến các buổi mai mối ở công viên Changpuhe, Bắc Kinh vào thứ Bảy. 

Ở Bắc King, tại các công viên thường diễn ra nhiều sự kiện mai mối, nơi cha mẹ tìm kiếm chồng, vợ cho cho con cái họ, nhưng các cuộc tụ họp ở Công viên Changpuhe thì khác bởi vì những người cao niên tìm kiếm đối tác cho chính họ. Hàng tuần, vào thứ ba và thứ bảy, hơn 300 người từ 60 tuổi trở lên lại đến công viên, cách quảng trường Thiên An Môn 150 mét về phía đông bắc, để tìm kiếm bạn đời. 

Không giống như các cuộc mai mối của người trẻ, nơi thông tin như tuổi tác, tình trạng gia đình, sức khỏe, thu nhập, tài sản và kỳ vọng của họ được viết lên bảng, người cao tuổi làm quen với nhau bằng cách khiêu vũ hoặc trò chuyện.   

Hiện nay, ở Trung Quốc, nhóm người độc thân lớn tuổi đang gia tăng, trở thành mối lo lắng của xã hội. 

Người cao tuổi trò chuyện trong Công viên Changpuhe, Bắc Kinh. Ảnh: Wang Jing/ China Daily

Bạn đồng hành

Bà Han Zhen, 60 tuổi, từ Wuchang, tỉnh Hắc Long Giang, đến tham gia cuộc gặp cho biết, bà muốn tìm một người chồng có thể hiểu bà và bầu bạn cùng bà. "Không quan trọng ông ấy có nhà lầu, xe hơi hay quê quán ở đâu. Miễn là khỏe mạnh, có thu nhập ổn định và có nhà cho tôi ở, tôi sẽ chấp nhận ông ấy", bà nói. 

Năm 2005, bà Han và gia đình tới sống ở Thông Châu, Bắc Kinh, có một cửa hàng bán gia cầm. Tuy nhiên, việc kinh doanh đã bị hủy hoại bởi sự bùng phát của cúm gia cầm, bà đã đóng cửa hàng. Chồng bà bị máu đông trong não và bà phải chăm sóc chồng cho đến khi ông qua đời vào năm 2012. Bà Han làm thêm công việc dọn dẹp. Hai đứa con trai chưa lập gia đình đã thúc giục bà tìm bạn đời mới. 

"Các con tôi nghĩ rằng tôi đã hy sinh quá nhiều cho gia đình trong những năm qua, vì vậy chúng muốn tôi tìm một người bạn đời có thể chia sẻ cuộc sống và bầu bạn với tôi lúc tuổi già", bà nói. 

Năm ngoái, một người bạn của bà sống một mình đã chết trong mà mãi hai ngày mới có người biết. Vụ việc khiến bà Han sốc đến nỗi bà quyết định nghĩ lại về việc tìm chồng mới. "Người già dễ bị các vấn đề về sức khỏe, bao gồm một số bệnh mới nổi, vì vậy tốt hơn là nên có người bên cạnh để phòng chuyện không hay. Như vậy cũng khiến con cái đỡ phiền toái", bà chia sẻ. 

Vào cuối năm 2013, Trung Quốc có 202,43 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Vào năm ngoái, con số này đã tăng lên tới 249,49 triệu người, gần bằng một nửa dân số Liên minh châu Âu. 

Bà Han nghĩ rằng cư dân thành thị có suy nghĩ thoáng hơn so với những người ở nông thôn và không buôn chuyện hay đưa ra những bình luận khó chịu về việc người cao tuổi tái hôn.

Ông Fu, người gốc Bắc Kinh, sống một mình và có lương hưu cố định. Ông đang tìm một người vợ sinh ra và lớn lên ở thủ đô. Ông đã tham dự một số sự kiện mai mối nhưng không tìm thấy ai phù hợp. 

"Tôi hy vọng sẽ tìm được một người bạn đời mà tôi có thể ở bên cạnh cho tới cuối đời. Tôi nghĩ rằng đây là điều mà hầu hết người cao niên cần," ông nói thêm rằng một người Bắc Kinh sẽ có cùng văn hóa và thói quen, nghĩa là ông sẽ không phải thích nghi với lối sống của vợ mới.  

"Bà ấy cũng sẽ có sổ an sinh xã hội và y tế của thành phố, vì vậy chúng tôi sẽ không gặp vấn đề gì với chi phí chăm sóc sức khỏe."

Ông nhận xét rằng, nhiều người cao tuổi chọn sống độc thân vì sợ làm xáo trộn cuộc sống của con cái, và để khi con cái kết hôn, họ sẽ giúp chăm sóc các cháu. 

Nhưng người cao niên cũng cần nhiều hơn nữa ngoài việc chung sống đơn giản. 

"Không thể phủ nhận rằng một số người cao niên khỏe mạnh sống độc thân trong nhiều năm có nhu cầu tình dục. Họ không thể thể hiện mong muốn đó, vì vậy mọi người cứ nghĩ rằng họ không có nhu cầu, và nghĩ rằng họ chỉ cần giữ gìn sức khỏe là được", ông Fu nhận xét.

Người cao niên không có nhiều cách tìm kiếm đối tác mới, vì vậy các cuộc gặp gỡ thông qua bạn bè, gặp gỡ ngẫu nhiễn, hoặc tham gia chương trình thực tế là các kênh phổ biến để người già tìm kiếm bạn đời ở Trung Quốc hiện nay. Nhiều kênh truyền hình địa phương có chương trình hẹn hò, và rating của các chương trình này thường khá cao.  

Choice là tên của một chương trình nhắm vào người trung niên và người cao tuổi, đứng đầu bảng xếp hạng các chương trình giải trí ở Bắc Kinh khi được Đài truyền hình Bắc Kinh cho ra mắt vào năm 2009. 

Những tấm bảng giới thiệu người tìm kiếm bạn đời trong một công viên ở Thanh Đảo, Sơn Đông. Ảnh/Xinhua

Ông Fu cho biết, mai mối rất phức tạp đối với người cao tuổi vì nó liên quan đến tài sản, ý nguyện và gia đình của hai bên. Các vấn đề phải được xem xét cẩn thận trước khi người cao tuổi bước vào một mối quan hệ.

Theo ông, nhiều người ngoại tỉnh chỉ tìm kiếm một cái gì đó, chẳng hạn như một ngôi nhà, tiền hoặc giúp đỡ cho con cái của họ để có được hộ khẩu Bắc Kinh để được hưởng các lợi ích của dân thủ đô. 

Bà Han, làm nghề dọn dẹp, không có hộ khẩu Bắc Kinh, nhưng không cảm thấy thua kém những người có hộ khẩu Bắc Kinh. Theo bà, đó không phải là vấn đề lớn; những người quá chú trọng vào các vấn đề như hộ khẩu và tài chính có thể không chân thành", cô nói. 

Người cao tuổi khó có thể tìm được người bạn đời phù hợp nếu trông đợi quá nhiều. Không ai có thể chịu đựng được một người đàn ông nghi ngờ vợ mình cưới anh ta vì hộ khẩu hoặc tiền. Hẹn hò không chỉ là vì tiền - mà còn cần tình yêu. Những người không muốn chi mà chỉ muốn nhận sẽ phải chịu một mối quan hệ không hạnh phúc. "

Bà Geng muốn tìm một người có động lực và độc lập. Bà có hộ khẩu Bắc Kinh, nhưng không bao giờ nói về chuyện hộ khẩu từ đầu vì bà nghĩ rằng những người hỏi về hộ khẩu hay tiền bạc không chân thành. 

Mặc dù có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, nhưng người phụ nữ 63 tuổi, làm nghề bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đã nuôi dạy hai con nên người. Bây giờ những con đang kiếm được thu nhập tốt và nghĩ bà Geng cần phải sống cho chính mình.

"Các con tôi thường làm việc bên ngoài (Bắc Kinh), mặc dù tôi có thể liên lạc với chúng bất cứ lúc nào, tôi không muốn ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng quá nhiều, vì vậy có một người bạn đời sẽ rất hoàn hảo."

Ở Trung Quốc, con cái có thể có tác động lớn đến quyết định tái hôn của cha mẹ, bởi vì hầu hết người cao tuổi đều muốn điều tốt cho con cháu họ và tin rằng cuộc sống của cha mẹ và con cái không bao giờ có thể tách rời.

Lo lắng

Mặc dù Zhang Ziling, làm việc cho một công ty ở tỉnh Giang Tô, đã thay đổi quan điểm của cô về quyết định tìm vợ mới của cha cô, nhưng cô vẫn còn lo ngại. Cha mẹ của cô ly dị cách đây tám năm. Cha cô, 62 tuổi, có một doanh nghiệp riêng, muốn bắt đầu một cuộc sống mới.

"Ông nói đã không làm điều đó trước đây vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi", Zhang cho biết. Ban đầu, cô phản đối vì cha cô lối sống thoải mái và độc thân trong nhiều năm, cô thấy không cần phải đưa một người lạ vào gia đình. 

"Tôi không muốn thích nghi với một người mới, mặc dù cha tôi đã nói rằng ông có đủ tiền tiết kiệm cho một gia đình mới và nó sẽ không ảnh hưởng đến tôi quá nhiều. Tuy nhiên, đó không chỉ là về tiền, mà còn là về nhiều thứ," cô nói. 

"Những trường hợp như kết hôn vì tiền và xung đột giữa các gia đình đã tái hôn là khá phổ biến, và cũng có những nghi ngờ về những đứa trẻ trong gia đình có cha mẹ tái hôn", cô nói.

Tháng 7 vừa qua, cảnh sát ở tỉnh Hồ Bắc bắt giữ bốn phụ nữ đã kết hôn, tuổi từ 60 trở lên, với tội danh lừa đảo những người cao tuổi sống một mình. Những người phụ nữ này đã lên kế hoạch kết hôn bất hợp pháp để tìm cách truy cập vào tài khoản tiết kiệm và tài khoản ngân hàng của chồng mới.

Ông Zhu Shijie, 82 tuổi, sống ở Bắc Kinh, đã tái hôn 10 năm trước. Vợ ông - mà ông gặp trong một cuộc mai mối ở Công viên Changpuhe - trẻ hơn ông 24 tuổi. Con trai ông ủng hộ hôn nhân, nhưng con gái ông lại phản đối. Ông tin rằng sự phản đối của con gái ông bắt nguồn từ nỗi sợ rằng tài sản của ông sẽ được chia cho "người ngoài", mặc dù ông đã để lại công việc làm ăn cho con gái và chồng con gái lúc ông nghỉ hưu và cho con trai ba ngôi nhà ở Bắc Kinh.

"Tôi nghĩ cuộc hôn nhân thứ hai của tôi là một thành công", ông kể. Ông là người chi trả tất cả các chi phí của ông và vợ mới. Trong ba tháng đầu hẹn hò, ông cho vợ tiền tiêu vặt là 3.000 nhân dân tệ (420 đô la) một tháng. Họ đăng ký kết hôn năm 2009, sau khi hẹn hò và sống chung được một năm. Năm 2014, Zhu chuyển một nửa quyền sở hữu nhà của họ cho vợ. Ông dự định sẽ lập di chúc để lại toàn bộ cho vợ. 

10 năm qua, ông được vợ và con trai riêng của vợ chăm sóc chu đáo. Còn ông đã giúp con trai riêng của vợ có được hộ khẩu Bắc Kinh và một công việc. 

"Cần cố gắng hòa hợp với người khác. Nếu bạn không thể giúp họ và không thích nghi, tại sao họ lại muốn sống với bạn? Giúp người yêu giải quyết vấn đề của họ và tìm hiểu thêm về cô ấy, sau đó cô ấy sẽ hết lòng với bạn," ông nói.

"Các con tôi có cuộc sống riêng và không thể ở bên tôi mỗi ngày. Hơn nữa, chúng không thể hiểu tất cả cảm xúc và nhu cầu của tôi. Tình yêu tôi nhận được từ các con tôi khác với tình yêu tôi dành cho vợ. Đôi khi tôi cảm thấy tốt hơn khi được ở bên vợ. Tôi có thể chia sẻ mọi thứ với cô ấy. "/.

Lương Anh, theo China Daily