Văn hóa

Nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy và góc nhìn mới về Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924

16:24 - 04/12/2019
Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ vừa giới thiệu tập 4 "Du ký và Những truyện khác" trong bộ Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924 của nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy. Sách viết theo thể loại du ký - vừa mang tính văn học vừa mang chất báo chí, giúp chuyển tải góc nhìn của tác giả mới hơn, lạ hơn...

Những truyện trong bộ sách khảo cứu này - tác giả tự tin nhận định là “cuốn tiểu thuyết quốc ngữ thuộc hàng xưa nhất của nước ta được tập hợp lại thành sách” - được sưu tập, tìm kiếm và biên tập, chú thích chủ yếu từ hai tờ báo Nam kỳ địa phận và Trung lập Báo, ngoài ra còn có các tờ Gia Định Báo, Nam Kỳ, Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn. Đó có thể là truyện rất ngắn, truyện ngắn, truyện vừa và truyện dài.

Tập 4 "Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924" sưu tầm nhiều bài viết của Trương Vĩnh Ký.

Trong quá trình biên soạn lại chuyên khảo này, nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy cũng tham khảo một số từ điển như Đại Nam quắc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, hay Tầm nguyên từ điển của Bửu Kế.

Đọc du ký xưa từ hơn trăm năm trở lại đây, chúng ta sẽ hiểu thêm được cảnh quan, xã hội, lối sống và con người thuở ấy, hiểu thêm được những suy nghĩ và cách ứng phó của họ trước thiên nhiên và người khác. Đồng thời, chúng ta cũng hiểu thêm sự thay đổi cũng như phát triển của cảnh quan, của xã hội chung quanh... Những điều này rất có ý nghĩa về mặt lịch sử lẫn văn hóa, bởi lẽ, du ký không phải là những ghi chép lịch sử, nhưng trong các tác phẩm du ký vẫn mang nặng những dữ liệu lịch sử đáng để nghiên cứu, quan tâm.

Theo nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy, trong văn quốc ngữ, tập du ký đầu tiên chính là cuốn Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất hợi 1876 của ông Trương Vĩnh Ký, và đây cũng là cuốn sách du ký mở đầu cho mọi cuốn sách du ký về sau này.

Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876 là bản du ký hay nhật ký ghi lại chuyến đi đầu tiên của một người Sài Gòn ra miền Bắc. Rõ ràng là một nước, nhưng hai miền có rất nhiều khác biệt từ tiếng nói cho đến nhân vật. Một người như Trương Vĩnh Ký, vốn từ nhỏ đã đi nhiều nơi, song cũng không giấu được sự ngạc nhiên khi ra đây…

Bên cạnh đó, Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924 (tập 4) cũng cung cấp loạt bài viết khá công phu về các công trình lăng tẩm ở Huế của Trương Duy Toản (1885 - 1957) từng giữ vị trí phó chủ bút tờ Trung Lập Báo nhân dịp ông này đi Huế dự đại lễ Tứ tuần của vua Khải Định. Cùng với các bài viết của Trương Vĩnh Ký, người đọc sẽ có cái nhìn toàn diện hơn cách ghi nhận của người xưa về các địa danh, từ Sài Gòn - Chợ Lớn, Huế, Hà Nội xưa, cho đến Thủ Dầu Một (Bình Dương), Hải Phòng, Hạ Long, Vinh, Quảng Trị, hay thậm chí tận miệt Nam Vian (Nam Vang, nay gọi là Phnom Pênh, Thủ đô Vương quốc Campuchia), Siêm Rệp - Campuchia,...

Nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy tên thật là Nguyễn Hữu Vang, sinh năm 1956 tại thị xã Cao Lãnh (Đồng Tháp), nhưng sống và lớn lên ở quê mẹ Bà Điểm (Hóc Môn, TP.HCM), từng học tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Sau năm 1975, tác giả công tác ở Bảo tàng TP.HCM, sau đó tại Báo Tuổi trẻ giai đoạn từ 1981 - 2016.

Các tác phẩm tiêu biểu của Trần Nhật Vy gồm có Kim Vân Kiều truyện, Mười tám thôn vườn trầu; Chữ quốc ngữ: 130 năm thăng trầm; Ba nhà báo Sài Gòn; Chuyện nghề báo, nhà báo Sài gòn; và bộ Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924 (tập 1, 2 và 3) từng vinh dự đạt Giải thưởng Sách hay năm 2018.

Theo congluan.vn