Văn hóa

Nhiều chương trình nghệ thuật mừng Quốc khánh 2-9

10:38 - 02/09/2019
Kỷ niệm 74 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2019) có rất nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức, nhằm phục vụ người dân vui chơi và đón Tết Độc lập.

1. Kéo dài thời gian hoạt động của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm

ảnh 1

Theo thông tin từ UBND quận Hoàn Kiếm, sẽ kéo dài thời gian hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Cụ thể, thời gian hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ được tổ chức vào khung từ 19h ngày 30/8 (thứ sáu) đến 24h ngày 2/9 (thứ hai).

2. Sắc màu văn hóa Tuyên Quang ở phố đi bộ hồ Gươm

ảnh 2

Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận những ngày cuối tuần sẽ trở nên rực rỡ và nhiều sắc màu văn hóa dân tộc khi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ được trình diễn tại phố đi bộ Hà Nội. 

Tại đây, du khách có thể hiểu thêm về nền văn hóa cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống của các dân tộc tỉnh Tuyên Quang như: Trích đoạn các nghi lễ truyền thống, đám cưới, nghi lễ hát Then (dân tộc Tày); nghi lễ cấp sắc, đám cưới của dân tộc Dao Đỏ; múa khai lộ, múa khai đèn, múa chim gâu dân tộc Cao Lan; trình diễn trang phục; trình diễn, giới thiệu quy trình, cách chế biến ẩm thực tiêu biểu...

3. Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn phục vụ bà con ở thị xã Sơn Tây

ảnh 3

Chương trình gồm những bài hát cách mạng đi cùng năm tháng, ca ngợi quê hương, đất nước và niềm hạnh phúc, tự hào của người dân Việt Nam trong ngày Tết Độc lập. Chương trình gồm 3 phần: “Hà Nội linh thiêng - hào hoa”; “Hà Nội quật cường”; “Khát vọng hòa bình - phát triển và hội nhập”, gồm nhiều ca khúc về Hà Nội và những tiết mục xiếc được dàn dựng theo chủ đề như đế thống, tung hứng, ảo thuật, xe đạp tập thể...

4. Đất nước 74 năm mùa hoa 

Là chương trình nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Hà Nội sẽ được trình diễn tại khu vực Mỹ Đình. Chương trình gồm nhiều ca khúc ngợi ca Tổ quốc, Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh như: “Rạng rỡ Việt Nam”, “Bác Hồ ơi, muôn đời vẫn nhớ”, “Bác Hồ tình yêu bao la”, “Lời ca dâng Bác”, “Việt Nam ơi”... 

5. Biểu diễn xiếc “Hà Nội trái tim rực sáng”

Nhân 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 74 năm Ngày Quốc khánh, các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội cũng có các chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân ở các quận, huyện, thị xã. Cụ thể, Nhà hát nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Hà Nội tổ chức chương trình ca múa hát kết hợp với xiếc “Hà Nội trái tim rực sáng” tại trung tâm quận Hà Đông. 

6. Rộn ràng các chương trình vui Tết Độc lập ở Làng Văn hoá - Du lịch Việt Nam

ảnh 4

Từ ngày 30/8 đến 30/9 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn với chủ đề “Vui Tết Độc lập”. Chuỗi hoạt động lần này có sự tham gia của khoảng 300 đồng bào thuộc 15 dân tộc gồm: Mông, Lô Lô, Giáy Khơ Mú, Cơ Tu... cùng sự tham gia của các nghệ sỹ, diễn viên thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc.

Điểm nhấn chương trình là phiên chợ vùng cao “Về miền cao nguyên đá” tái hiện không gian mang đậm sắc màu văn hóa huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Đây là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá và là nơi gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt văn hoá với bức tranh đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, chương trình còn tái hiện lễ hội “Rửa làng” của dân tộc Lô Lô; Trình diễn giới thiệu múa trống của đồng bào dân tộc Giáy và Lô Lô; Chương trình diễn xướng âm nhạc dân gian Tây Nguyên “Tiếng gọi đại ngàn” của các nghệ nhân đến từ Đắk Lắk.

Trong khuôn khổ các hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Giới thiệu lá cờ số 490 (54m2) đã treo tại Cột cờ quốc gia Lũng Cú ở nhà triển lãm làng dân tộc III; Chương trình biểu diễn rối cạn “Đồng vọng rối Việt” do các nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Múa rối Việt Nam biểu diễn; Tổng kết cuộc thi “Một hành động nhỏ với rác thải nhựa lớn”; Chương trình nghệ thuật “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc biểu diễn; Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Chúng ta cùng xem và hiểu về nghệ thuật Tuồng” của Nhà hát Tuồng Việt Nam; Tái hiện Lễ SenDolta (Lễ cúng ông bà) tại quần thể chùa Khmer...

7. Triển lãm “Trường Sa nơi đầu sóng”

ảnh 5

Triển lãm ảnh khắc họa cuộc sống và chiến đấu của những người lính đảo vừa được ra mắt người xem tại Triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Bộ ảnh “Nơi đầu sóng” giới thiệu tới công chúng 100 hình ảnh mới nhất, phản ánh trung thực các hoạt động tại Trường Sa, nhà giàn DK1, các lực lượng trên biển. Điểm nhấn của triển lãm là hình ảnh sinh động về 15 nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Ngoài sự đóng góp tác phẩm của các nhiếp ảnh gia, nhà báo, triển lãm còn có sự góp mặt của các tay máy đặc biệt như: Chính ủy các lữ đoàn thuộc Quân chủng Hải quân, bộ đội thi công nhà giàn, bộ đội trên đảo, đại biểu ra thăm đảo… Cũng nhân dịp này, nhóm tác giả đã phát động chương trình Tết Trung thu “Bố ở đảo xa - con ở nhà có bạn” năm 2019 nhằm kết nối gửi quà tặng gửi tới các cháu thiếu nhi là con em cán bộ chiến sỹ đang công tác trên biển đảo. Các món quà sẽ được trao tới các em tại Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Triển lãm ảnh kéo dài đến hết ngày 3/9.

Theo anninhthudo.vn