Văn hóa

Phim giải trí "áp đảo" Liên hoan phim quốc gia

10:57 - 27/11/2019
Phát biểu của biên kịch Đoàn Tuấn tại Liên hoan phim Việt Nam 21: “Chưa từng thấy nước nào tổ chức Liên hoan phim tầm quốc gia mà chỉ có toàn phim giải trí như Việt Nam” đã đặt ra nhiều vấn đề cho nền điện ảnh Việt Nam.

Chưa phải là cuộc tổng kết đầy đủ

Liên hoan phim (LHP) Việt Nam được tổ chức 2 năm/lần để ghi nhận những thành tựu của điện ảnh Việt. Nhưng chúng ta thấy gì từ kết quả giải thưởng ở các kỳ liên hoan gần đây?

LHP Việt Nam 20 là cuộc so kè của 16 bộ phim giải trí toàn do tư nhân sản xuất và kết quả phim có doanh thu cao nhất thời đó là "Em chưa 18" giành giải Bông sen vàng phim truyện xuất sắc nhất. "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" - phim do nhà nước và tư nhân cùng bỏ vốn sản xuất, giành giải này ở kỳ LHP Việt Nam 19. Còn ở LHP Việt Nam 18, bộ phim giải trí Scandal - "Bí mật thảm đỏ" và phim lịch sử "Những người viết huyền thoại đồng" giải Bông sen vàng... Liên tục các mùa LHP Việt Nam, giải vàng thường rơi vào các phim giải trí ăn khách.

Năm nay, vét hết các phim nghệ thuật lẫn giải trí, ban tổ chức chọn được 16 phim tranh tài gồm 4 phim do nhà nước đặt hàng, 12 phim tư nhân. Kết quả của LHP lần này có lẽ cũng chẳng khả quan hơn khi hiện tại phim nhà nước góp vốn xem ra đứng ngoài “đường đua” phim hay nhất, còn phim tư nhân cũng hiếm có phim sáng giá nổi bật, bởi phim nào cũng “được cái này, mất cái kia” trong chất lượng.

Phim giải trí 'áp đảo' Liên hoan phim quốc gia - ảnh 1

Thưa mẹ con đi là phim tư nhân được đánh giá có chất lượng nghệ thuật. Ảnh: ĐPCC

Với việc chấm giải chủ yếu dựa trên các tác phẩm gửi dự thi, LHP Việt Nam chưa phải là cuộc tổng kết đầy đủ. Như LHP Việt Nam 21 thiếu vắng một số tác phẩm đáng chú ý như: Vợ ba, Nhắm mắt thấy mùa hè, Chàng vợ của em... Năm nay, Song lang, Người bất tử, Thưa mẹ con đi nằm trong số ít phim được đánh giá có chất lượng nghệ thuật, trong đó Song lang được kỳ vọng là ứng viên tiềm năng.

Phim Việt lệch khỏi “cuộc chơi” quốc tế

Biên kịch Đoàn Tuấn, Phó ban Lý luận - Phê bình Hội Điện ảnh Việt Nam, chính là người gây chú ý tại kỳ LHP năm nay khi nêu nhiều ý kiến mạnh mẽ, xác đáng về những điều cần chấn chỉnh của Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) trong việc cử phim Việt tham dự các LHP quốc tế. 

Ông bức xúc: “Chúng ta từng cử sang LHP Iran bộ phim Gái nhảy, vì lúc đó phim này được cả nước ca ngợi là phim ăn khách. Nhưng khi đến Iran thì nước chủ nhà yêu cầu không chiếu phim này, bởi đó là đất nước Hồi giáo và luật điện ảnh của họ nghiêm khắc, không thể có cảnh hở hang trên màn ảnh. Đưa ra ví dụ này để rút ra bài học: không phải cái gì chúng ta thấy hay thì cứ mang ra nước ngoài, chỉ lấy chuẩn của mình, tức một bộ phim thắng doanh thu năm đó chẳng hạn để đưa đi mà không xét tới tính nghệ thuật của bộ phim. Chúng ta tự đẩy mình lệch ra khỏi cuộc chơi quốc tế”.

Biên kịch Đoàn Tuấn cho biết thêm năm 2014, tại một LHP ở Pháp, Việt Nam mang 2 bộ phim Long Thành cầm giả caThần tượng đi dự thì Long thành cầm giả ca nhận được sự yêu thích của công chúng vì được khám phá văn hóa, con người Việt Nam, còn Thần tượng lại bị chê là quá cũ so với khán giả Pháp. 

Năm 2018, ông được cử đi dự LHP Kim Kê - Bách Hoa tại Trung Quốc, khi xem các phim nước ngoài dự thi như Nhật, Nga, Đức… thì thấy tất cả phim này đều phản ánh những vấn đề xã hội của nước họ bằng cách thể hiện rất nghệ thuật. Trong khi đó, đại diện của điện ảnh Việt Nam lại là một phim giải trí, và tất nhiên hầu như không được nhắc đến trên truyền thông lẫn đề cử.

Vai trò quan trọng của nhà nước

PGS-TS Trần Luân Kim, Trưởng ban Giám khảo thể loại phim truyện LHP Việt Nam 21, thẳng thắn: “Hiện phim Việt đang có dấu hiệu khởi sắc nhưng thiếu tính dân tộc, thiếu tiếng nói về các vấn đề xã hội. Việt Nam không thiếu những vấn đề xã hội gai góc nhưng tiếng nói của điện ảnh ở đâu? Muốn ghi được dấu ấn Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới thì ít nhất, phải có phim làm được điều này”.

Sẽ là chưa công bằng khi “đá” trách nhiệm sang phía các nhà sản xuất tư nhân. “Các hãng phim tư nhân có mục đích của họ, họ làm phim thương mại để kiếm tiền, không đặt nặng trách nhiệm giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam với quốc tế, nhưng nhà nước lại bỏ trống trận địa. Tôi không phản đối dòng phim thị trường nhưng phải có dòng phim chủ lưu mang dấu ấn điện ảnh Việt có sự hỗ trợ lớn hơn từ nhà nước, để khán giả quốc tế có cơ hội xem và hiểu về Việt Nam”, biên kịch Đoàn Tuấn chia sẻ. Còn đạo diễn - nhà phê bình Tô Hoàng bày tỏ: “Phim Việt nên khai thác đề tài đa dạng hơn, chứ không chỉ là những câu chuyện thời thượng và điều này cần sự quan tâm của nhà nước”.

Đạo diễn Lê Đức Tiến cũng cho rằng cần tập trung và khuyến khích cả hãng phim nhà nước lẫn tư nhân làm phim về nét đẹp, bản sắc văn hóa con người Việt Nam, nội dung không cần “lên gân”, dù giản dị, đời thường nhưng vẫn có thể chạm được cảm xúc người xem. Vấn đề kinh phí chưa hẳn là yếu tố quyết định để ra được một phim hay, bởi có những phim ở Iran, Hàn Quốc dù kinh phí thấp nhưng vẫn gây được tiếng vang trên thế giới.

Không phủ nhận gần đây nhà nước có đầu tư, rót vốn sản xuất phim nhưng số lượng phim này rất ít và không đạt chất lượng như kỳ vọng, bởi chưa chọn đúng kịch bản hay. Quan trọng nhất để phim nhà nước đặt hàng đạt được giá trị tốt là phải tìm đúng đạo diễn giỏi nghề thật sự, những thế hệ làm phim trẻ có sự mới mẻ, đột phá trong cách thể hiện. Ngoại trừ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được khen về dàn dựng cũng như đạt doanh thu cao, các phim còn lại do nhà nước rót vốn đều ở mức trung bình khá và khó thu hút khán giả khi ra rạp, như 4 phim nhà nước đặt hàng tranh tài tại LHP năm nay: Thạch Thảo, Hợp đồng bán mình, Nơi ta không thuộc về, Truyền thuyết về Quán Tiên.

Theo thanhnien.vn