Văn hóa

Ý nghĩa câu đối đỏ trong ngày Tết của người Dao Khâu

18:25 - 20/01/2020
Từ xa xưa, vào dịp Tết Nguyên đán, người Dao Khâu ở Sìn Hồ, Lai Châu đã có thú chơi câu đối đỏ và nó đã trở thành nét văn hóa Tết độc đáo của đồng bào.

Mỗi năm, khi Tết đến, để trang hoàng nhà cửa và để thưởng xuân, nhiều gia đình người Dao thường treo câu đối đỏ. Sau khi quét dọn xong, người ta lấy giấy giang hoặc giấy trắng dán lên bên ngoài các bức vách trong nhà để cho nhà được sáng sủa. Sau đó treo tranh ảnh và dán câu đối đỏ lên theo vị trí quy định. Những câu đối đỏ này được viết bằng chữ Nôm Dao, đó là những câu thơ đối vần, đối nghĩa… được viết lên giấy đỏ hay mảnh vải đỏ thiện không khí hân hoan đón chào những ngày đầu xuân. 

Bàn thờ có câu đối đỏ trong ngày Tết của người Dao Khâu

Ông Tẩn Kim Phu, một người am hiểu văn hóa Dao thường được bà con nhờ viết câu đối đỏ ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết thêm: "Đối với người Dao Khâu, cứ mỗi độ tết đến xuân về thì gia đình nào cũng có câu đối đỏ. Câu đối đỏ còn dùng để làm món quà ý nghĩa với lời chúc tụng nhau một năm mới gia đình thịnh vượng, cầu chúc một năm mới làm ăn nên làm ra”.

Tùy thuộc vào gia cảnh, công việc và mong ước, đồng bào sẽ chọn những câu đối đỏ khác nhau. Sau khi đã dán giấy trắng vào các bức vách, giữa bàn thờ bà con dán câu đối gồm 4 chữ viết trên bốn góc của một tờ giấy vuông dán phía trong bao quát cả bàn thờ, dán các câu đối vào các khung cửa và cửa sổ, cửa buồng ngủ. Còn có các câu đối viết trên vải hoặc bằng giấy rộng 40 phân, dài 2 mét do người khác tặng thường được bà con treo ở cửa đại. Câu đối đỏ của người Dao được trang trí trên bàn thờ ngày Tết kết hợp với bánh chưng và màu trắng của hoa mận, màu hồng của hoa đào tạo nên một bức tranh rực rỡ sắc màu, hạnh phúc. Khách qua lại, nhìn thấy câu đối cũng dừng lại ngắm nghía thưởng thức, từ ý nghĩa, vế đối, nét chữ rắn rỏi, mềm mại bay lượn khiến ai cũng trầm trồ thích thú. 

Câu đối đỏ trong dịp Tết Nguyên đán

Những câu đối đỏ được dán phía trên bàn thờ trong ngày cưới của người Dao Khâu

Câu đối của người Dao khâu thường được viết vào hai dịp, trong dịp đám cưới và ngày lễ tết. Trong ngày cưới những câu đối là chủ nhà trai tổ chức chức lễ cưới, bắt buộc phải có, ý nghĩa của câu đối là để chúc mừng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Còn ý nghĩa câu đối đỏ ngày tết chủ yếu là cầu mong gia đình vạn sự bình an. Ngoài ra ý nghĩa cũng tùy vào những câu đối được treo ở vị trí nào. Nếu treo ở cửa đại thì ý nghĩa của nó là chúc cho gia chủ đón một năm mới sức khỏe bình an, nhiều tài lộc. Còn những câu đối được dán ở cửa buồng ngủ của ông bà, cha mẹ thì có ý nghĩa là cầu mong cho ông bà, cha mẹ đại thọ, sống lâu trăm tuổi. Ngày nay do giao thoa nhiều luồng văn hóa, những ngôi nhà truyền thống được thay đổi. Các câu đối cổ ngày xưa, người ta phải thuê, nhờ thầy biết chữ nôm Dao đến viết.

Em Tẩn Yêu Sơn viết tặng bạn bè câu đối trong dịp Tết dân tộc

Hiểu được những ý nghĩa, giá trị văn hóa của dân tộc mình, em Tẩn Yêu Sơn ở xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã miệt mài học chữ Nôm Dao từ người ông của mình và đến nay em đã có thể đọc viết thành thạo và có thể viết chữ tặng bạn bè. Em Sơn chia sẻ: “Em là một người con trai người Dao Khâu, từ ngày bé em đã được ông nội dạy chữ Nôm Dao. Em rất thích những câu đối đỏ ngày Tết của dân tộc mình, bởi thế nên em đã cố gắng theo học ông. Đến bây giờ, em đã biết biết đọc thông thạo và viết được các câu đối  đỏ vào những dịp đám cưới, lễ tết của dân tộc mình”.

Câu đối đỏ có ý nghĩa là vậy. Vì thế, cứ Tết đến xuân về, câu đối đỏ không thể thiếu trong các gia đình người Dao khâu ở huyện vùng cao Sìn Hồ./.

                                                                                  Chẻo Thu/ VOV Tây Bắc