Video Tin trong nước

Chùa Cổ Pháp: Nơi lưu giữ tuổi thơ vua Lý Công Uẩn

Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là nơi gắn với nhiều di tích lịch sử, chứa đựng những giá trị văn hóa lịch sử. Đặc biệt là những ngôi chùa mang tính lịch sử như Chùa Cổ Pháp tọa lạc tại khu phố Đại Đình, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
12:00 - 03/12/2020

Chùa Cổ Pháp không những là ngôi chùa lâu đời danh tiếng về kiến trúc, đường nét chạm trổ tinh xảo mà còn là ngôi chùa có cảnh quan khuôn viên rộng rãi, cây cối xum xuê, phong cảnh hữu tình. 

Chùa Cổ Pháp đã được xây dựng lại trên nền đất cũ và được cấp bằng di tích lịch sử văn hóa. Những năm qua, chùa đã được cán bộ và nhân dân làng Đại Đình quản lý, trùng tu. Trải bao năm tháng dài, cây Mít hơn 300 năm tuổi này vẫn hiên ngang tồn tại cùng tuế nguyệt, tán lá xum xuê, xanh tươi, bóng trùm che mát rượi làm đẹp thêm cảnh quan ngôi chùa

Còn chiếc giếng này, tương truyền, khi còn là chú tiểu ở chùa, vua Lý Công Uẩn được thiền sư Lý Khánh Văn cho ăn uống, tắm rửa bằng nước giếng. Ngày xưa ở làng Đại Đình có đến gần nửa làng ở phía gần chùa vẫn thường ra chùa Cổ Pháp gánh nước về dùng. Sau này Lý Công Uẩn đã trở thành một Minh Quân Thái Tổ, vị vua đầu tiên của Vương triều Lý - mở đầu một vương triều thịnh vượng lâu dài, thời kỳ phục hưng toàn diện của đất nước với chiều dài hơn 200 năm hùng cường thịnh trị, ghi nhiều mốc son rạng rỡ cho lịch sử nước nhà. 

Chùa Cổ Pháp đã trải qua hơn 1000 năm thăng trầm, thiên biến và nhiều lần được trùng tu sửa chữa. Đến năm 1952 giặc Pháp đốt phá, nhân dân phải chuyển tạm chùa vào giữa làng để thờ Phật. Sau gần nửa thế kỷ, đến mùa xuân năm Mậu Dần (1998) đã được xây dựng lại theo nguyện vọng tha thiết của đông đảo nhân dân trong làng cũng như khách thập phương.

Nhiều người khi đến đây cũng mong ước ngôi chùa Cổ Pháp được xây dựng khang trang bề thế, có tên tuổi để xứng tầm với giá trị lịch sử vốn có.

Qua một số cổ vật còn lại như chuông đồng, bia đá, các nhà nghiên cứu sử học đã khẳng định là chùa Cổ Pháp làng Đại Đình (Tân Hồng) được xây dựng rất sớm từ thế kỷ thứ 8 - 9 cùng thời với các chùa quanh vùng như: Chùa Kiến Sơ ở làng Gióng, Phù Đổng (năm 820), chùa Lục Tổ, Trường Liêu (Tương Giang) và chùa Minh Châu, Tra Lư ở Dương Lôi (Tân Hồng)... 

Có thể thấy, ngôi chùa cổ này đã gắn liền với quá trình lịch sử và đang chứa đựng những giá trị văn hóa gắn bó mật thiết với tuổi thơ của vua Lý Công Uẩn. Do đó, cần có sự vào cuộc của các nhà chuyên gia, các nhà khoa học để chùa Cổ pháp có được chỗ đứng xứng tầm với giá trị lịch sử vốn có đã được ghi trong lịch sử nước nhà.

Thế Hùng – Anh Dũng

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.