Video Về chốn linh thiêng

Chùa Giám – Nơi ghi dấu danh y Tuệ Tĩnh

Không chỉ là một trong 3 di tích liên quan đến cuộc đời thiền sư, đại danh y Tuệ Tĩnh, chùa Giám ở xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, còn được coi là danh lam nổi tiếng xứ Đàng Đông thời Lý – Trần.
10:07 - 06/12/2019

Căn cứ vào các văn bia còn lưu lại, chùa Giám có tên chữ là Nghiêm Quang tự, đây là một công trình kiến trúc Phật giáo có từ thời Lý, được xây dựng lại vào cuối thế kỷ 17 và trùng tu vào đầu thế kỷ 20. Tiền thân vốn là ngôi chùa được xây ở ngoài đê sông Thái Bình của huyện Cẩm Giàng, nơi đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh tu tập và hành nghề bốc thuốc cứu người. 

Trong hơn 3 thập kỷ nghiên cứu và chữa bệnh bằng thuốc Nam của mình, Tuệ Tĩnh đã biên soạn hai bộ sách chuyên về Nam dược có tên là “Dược tính Nam chỉ” và “Thập tam phương gia giảm”.  Cho đến ngày hôm nay, các bài thuốc của ông đều có ảnh hưởng sâu rộng đến nền y dược Việt Nam và được coi là tiền đề, là kim chỉ nam để phát triển. 

Không chỉ có nhiều đóng góp trong sự nghiệp y dược, trong cuộc đời tu tập, thiền định của mình, Tuệ Tĩnh còn xây dựng, tu sửa được 24 ngôi chùa, đưa nơi này trở thành những y xá chữa bệnh; hướng dẫn cho nhiều tăng ni, Phật tử bốc thuốc, chữa bệnh. Và chùa Giám, không chỉ là nơi ông sinh sống và lớn lên mà còn là một y xá chữa bệnh nổi tiếng ở Hải Dương.

Mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng với kiến trúc “nội Công ngoại Quốc”, chùa Giám được sắp xếp, bài trí theo lối “tiền Phật hậu Thánh”, gồm các công trình lớn như: tam quan, sân lớn, tiền đường, thượng điện (thờ Phật), tòa Cửu phẩm Liên hoa, hậu điện (thờ tổ), nghè Giám…

Chùa hiện còn lưu giữ được rất nhiều pho tượng Phật cùng 2 chuông đồng lớn và khoảng 15 tấm bia đá niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.

Đặc biệt, trong chùa còn có tòa tháp Cửu phẩm Liên hoa được thiết kế theo kiểu hình lục giác, gồm 9 tầng hoa sen chồng lên nhau. Mỗi tầng có 18 pho tượng Bồ tát và 54 cánh sen nổi, được chạm khắc những họa tiết sinh động. Toàn bộ kết cấu tháp Cửu phẩm được đặt trên một trụ gỗ lim lớn, có ổ bi để quay tròn. 

Trải qua mấy trăm năm, bia đá, ngói đỏ ngày nào giờ đã phủ kín rêu phong, thế nhưng, mỗi khi đến thăm chùa Giám hay nhắc đến “Đại Danh y” Tuệ Tĩnh, ai cũng thành tâm, kính cẩn, cầu mong được vị Thánh thuốc Nam che chở với thật nhiều bình an và sức khỏe./.

Mời quý vị xem lại các chương trình đã phát sóng trên kênh Vietnam Journey tại đây.