Video Về chốn linh thiêng

Di tích đình, chùa Hiến - Nơi lưu giữ hồn xứ nhãn

Tồn tại nhiều thế kỷ, trải qua nắng mưa, thăng trầm của thời gian, đình, chùa Hiến không chỉ phản ánh rõ nét đặc trưng đời sống văn hóa tâm linh mà còn mang những dấu ấn của Phố Hiến danh tiếng một thời.
19:32 - 16/08/2020

Sự hình thành và tồn tại thương cảng Phố Hiến, thương cảng lớn nhất xứ Đàng ngoài hồi thế kỷ XVII-XVIII đã dẫn tới sự ra đời của nhiều công trình tín ngưỡng nổi tiếng, trong đó có thể kể đến đình, chùa Hiến. Nằm trong khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, đình, chùa Hiến, chứa đựng trong mình những câu chuyện đời sống của tiểu Tràng An xưa. 

Chùa Hiến hay còn gọi là Thiên Ứng tự bi, cổ xưa gọi là Hoa Dương tự, nằm ở làng Hoa Dương cổ, nay là đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên.

Người dân Phố Hiến vẫn truyền nhau câu chuyện rằng, năm 1625 sau khi chùa Hiến hoàn thành việc trùng tu, cũng là lúc cây nhãn trước cửa chùa cho ra những quả ngọt đầu tiên. Cho đến nay, cây nhãn này đã có gần 400 năm tuổi và đã trở thành cây nhãn tổ của đất Phố Hiến. Đây là cây nhãn đường phèn có vị đặc sắc nhất. Trước kia cây nhãn có đường kính 2 người ôm, tuy nhiên năm 1980 một trận bão lớn khiến cây bị đổ ngang thân, cây nhãn hiện tại là cây mọc lên từ một nhánh nhỏ. Người dân địa phương đắp một ụ đất xung quanh thân cây cũ. Năm 1998, cây nhãn được công nhận là cây nhãn ngon và cổ của Việt Nam. Đây là minh chứng cho nguồn gốc của giống nhãn lồng đặc sản Hưng Yên ngày nay. 

Không như với nhiều ngôi chùa khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, chùa Hiến có cách bài trí tượng Phật rất riêng ở khu chính điện. Chùa Hiến đặt tượng Mẫu Chuẩn Đề ở vị trí chủ thể bên cạnh các pho tượng khác. Đây là pho tượng cổ, có tuổi đời khoảng 600 trăm năm. Ngoài ra, chùa Hiến vẫn giữ được một quả chuông đúc từ thời vua Gia Long. 

Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.