Video Muôn màu cuộc sống

Hương thuốc Nam

Từ bao đời nay, rừng hiện hữu, chở che và bảo vệ con người. Với hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng, rừng còn dâng tặng cho con người những món quà vô giá. Đó là những cây thuốc quý mà chỉ có những người yêu và gắn bó máu thịt với rừng mới hiểu, mới biết.
18:49 - 14/09/2020

Chỉ cách TP. Hà Nội hơn 70km về phía Bắc, có một làng thuốc nam nổi tiếng nằm dưới chân núi Tản thuộc xã Ba Vì (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) với 98% dân số là người đồng bào dân tộc Dao. Thực hiện chính sách của Nhà nước về việc thành lập Khu Bảo tồn Vườn quốc gia Ba Vì, cách đây chừng 60 năm, người Dao “xuống núi” định cư. Sau cuộc “hạ sơn” này, bà con vẫn gìn giữ những tri thức quý giá trong việc sử dụng các bài thuốc cổ có từ ngàn xưa.

Vẫn giữ phương thức nấu cao truyền thống từ nhiều năm nay, gian bếp của người Dao ở Ba Vì lúc nào cũng đỏ lửa, thơm mùi thuốc. Mấy chục nồi thuốc này đều là thuốc cao chữa bệnh xương khớp và bồi bổ sức khỏe. Mỗi nồi là sự tổng hợp của hơn 70 vị thuốc đều là cây lá lấy từ trên rừng và trong vườn nhà.

Còn có một điều đặc biệt khác ở đất thuốc Nam Ba Vì, đó là người làm thuốc chỉ toàn phụ nữ, rất hiếm có người nào là nam giới theo nghề. Hỏi ra mới biết, điều này có liên quan đến phong tục tập quán và không gian văn hóa của người Dao ở đây. Họ coi việc bốc thuốc xưa nay là việc của phụ nữ. Cũng giống như ở một số vùng đồng bằng Bắc bộ, phụ nữ chỉ làm những việc như làm ruộng, dệt vải…

Nếu một lần đến với Nghĩa Trai, đứng trên cánh đồng làng, người ta thấy tinh thần như được đánh thức, thư thái và bao mệt nhọc như tan biến bởi hương thơm của các cây thuốc quý. Nhiều người còn nói vui, chẳng phải dùng sơn hào hải vị mà chỉ cần sống ở ngôi làng này sẽ được khỏe mạnh, trường thọ. Từ những loại bình dân như: tía tô, kinh giới... đến nhiều loại thuốc quý: cúc hoa, kim tiền thảo... Từ đất ruộng đến những khoảng đất nhỏ bé ven đường, đâu đâu cũng thấy cây dược liệu mọc lên xanh tốt.

Nghĩa Trai thuộc xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên là làng dược liệu có lịch sử nghìn năm tuổi. Cái nghề làm phúc cứu người ấy thậm chí đã đi vào tiềm thức của người dân với những lời hát ru: “À ơi con ngủ cho ngoan/ để mẹ bốc thuốc cứu người an nguy/ sâm linh, bạch truật, đương quy/ phòng phong, kinh giới, a ngùy, đan sâm…”. Thế rồi, cái nghề làm thuốc cứ theo lời ca mà đi vào tiềm thức người dân từ đời này qua đời khác.

Ở miền Bắc, có khá nhiều làng làm nghề thuốc. Nhưng gần như đều buôn bán dược liệu là chính. Còn dân Nghĩa Trai vừa trồng dược liệu, vừa bốc thuốc lại vừa buôn bán. Cái nghiệp gắn với cuộc đời con người như là định mệnh.

Thêm một đặc điểm truyền thống của làng Nghĩa Trai đó là không bao giờ giấu giếm bài thuốc, công thức chữa bệnh mà công bố cho càng nhiều người biết càng tốt. Điều này có liên quan đến đặc điểm khác là phải làm việc nghĩa. Phổ biến bài thuốc để nhiều người tự chữa bệnh cũng là một cách để làm việc nghĩa của người dân làng này.

Ngày ngày, cụ lang Đỗ An Ngợi ở làng dược liệu Nghĩa Trai vẫn miệt mài với nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Ở cái tuổi thất thập, cụ vẫn mong có thêm nhiều lớp thanh niên trẻ theo nghề thuốc, học được cái tinh hoa của nghề thuốc nghìn năm tuổi. Bởi nếu không, đâu biết hương thuốc nam có còn bay mãi hay không…

Mời quý vị xem các chương trình Muôn màu cuộc sống đã phát sóng tại đây./.