Video Phóng sự VOV

Những khúc mắc trong lần thực nghiệm lại hiện trường vụ tai nạn ở Vũ Trọng Phụng

Hơn một năm sau vụ tai nạn khiến học sinh P.Đ.M tử vong, cơ quan điều tra vừa tiến hành thực nghiệm lại hiện trường vụ án. Tuy nhiên, lần thực nghiệm này vẫn chưa làm rõ được vấn đề về tốc độ thực của xe gây tai nạn, dẫn đến những khúc mắc chưa được làm rõ.
17:40 - 09/09/2020

14 giờ ngày 4/9, cuộc thực nghiệm hiện trường lần hai vụ tai nạn khiến cháu P.Đ.M tử vong bắt đầu.

Các cơ quan chức năng tiến hành cân chiếc xe chở rác biển kiểm soát 29H-177.36 của Hợp tác xã Thành Công nhằm đảm bảo trọng lượng của phương tiện đúng bằng cân nặng thời điểm gây tai nạn ngày 12/4/2019, khiến cháu P.Đ.M, học sinh lớp 8, tử vong.

Sau khi hoàn tất việc xác định cân nặng của xe, cuộc thực nghiệm được tiến hành 3 lần theo yêu cầu của Tòa án Nhân dân quận Thanh Xuân nhưng sau 3 lần, các vấn đề vẫn chưa được làm rõ. Đến lần thứ 4 thực nghiệm lại hiện trường vụ tai nạn, những nghi vấn tiếp tục được đặt ra.

Quan sát kỹ cả 4 lần thực nghiệm hiện trường, có thấy rõ ràng một số mâu thuẫn giữa lời khai của bị cáo Lê Hoàng Lê trong hồ sơ với thực tế diễn ra trong cuộc thực nghiệm lại hiện trường ngày 4/9 vừa qua.

Thứ nhất, bị cáo Lê khai khi điều khiển phương tiện đến lối mở quay đầu trước cửa nhà số 124 Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, bị cáo thấy một chiếc ô tô màu đen phía trước quay đầu nên đi chậm lại rồi gần như dừng hẳn trước khi tăng tốc. Tuy nhiên, theo như diễn biến của lần thực nghiệm đầu tiên ngày 4/9, chiếc xe chở rác biển kiểm soát 29H-177.36 không “dừng hẳn” trước khi tai nạn xảy ra.

Thứ hai, đồng hồ công tơ mét của xe chở rác gây tai nạn biển kiểm soát 29H-177.36 tại thời điểm thực nghiệm lại hiện trường ngày 4/9/2020 hỏng đột ngột dẫn đến không xác định được tốc độ của phương tiện là bao nhiêu.

Thứ ba, theo yêu cầu của tòa cũng như gia đình nạn nhân, một trong số các nội dung của lần thực nghiệm này liên quan đến chi tiết khi bị cáo Lê phát hiện va chạm liền phanh xe nhưng do quán tính nên phương tiện trượt đi một khoảng 5m. Tuy nhiên, cả 4 lần thực nghiệm lại hiện trường, mặc dù không có bất kì vật cản nào nhưng xe chở rác biển kiểm soát 29H-177.36 chỉ trượt một khoảng xấp xỉ chưa đến 3m.

Thứ tư, cả 4 lần thực nghiệm tiến hành ngày 4/9 khi phanh đều không để lại dấu vết trên đường trong khi hiện trường xảy ra tai nạn nhìn thấy rất rõ vết phanh để lại như thế này.

Liệu có sự khác nhau nào về mặt tốc độ thời điểm thực tế khi tai nạn xảy ra với tốc độ khi thực nghiệm hiện trường ngày 4/9 dẫn đến khác biệt đó không?

Lạ ở chỗ, trong buổi làm việc diễn ra sau đó, đại diện cơ quan cảnh sát điều tra, thậm chí còn lý giải rằng, tốc độ của phương tiện tại thời điểm xảy ra tai nạn bao nhiêu, 10 hay 20km/h, không quan trọng? 

Không biết tình tiết nào đối với các cơ quan chức năng quan trọng đây, khi mà ở độ tuổi của mình, làm thế nào nạn nhân lại vượt qua đầu xe đang chạy dẫn đến vụ tai nạn thương tâm ngày 12/4/2019? Tại sao các cơ quan chức năng không làm rõ điều mà họ hoàn toàn có thể làm, tức là xác định tốc độ của phương tiện, thời điểm xảy ra va chạm, thông qua thiết bị giám sát hành trình, đồng thời với thời gian thực của các camera gắn xung quanh khu vực xảy ra tai nạn? Việc xác định nạn nhân P.Đ.M vượt qua đầu xe chở rác vào lúc nào, chiếc xe chở rác dừng hay đang di chuyển khi xe của nạn P.Đ.M vượt qua cần được làm rõ.

Mời quý vị xem các Phóng sự VOV đã phát sóng tại đây./.