Video Tin trong nước

Phê bình văn học nghệ thuật cần có tầm nhìn bao quát, sâu rộng và nhạy bén chính trị, nghệ thuật

Sáng 5/12, tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra Hội thảo khoa học toàn quốc “Vai trò định hướng của phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay".
21:09 - 05/12/2019

Hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức. Tới dự có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Chủ trì Hội thảo là PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương; Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phỏ Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Tại hội thảo “Vai trò định hướng của phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay”, nhiều ý kiến cho rằng, nhìn vào đời sống văn học, nghệ thuật những năm gần đây dễ dàng nhận thấy sự mờ nhạt, thậm chí sự vắng bóng của vai trò phê bình. Trước các yêu cầu bức thiết của đời sống xã hội và văn học, nghệ thuật như định hướng giá trị, định hướng thẩm mỹ, định hướng tiếp nhận, định hướng dư luận và định hướng sáng tạo... phê bình dường như im tiếng, rơi vào tình trạng bất lực, buông xuôi.

Bên cạnh những thành tựu có vẻ khiêm tốn, vẫn còn đó các khuyết tật, non kém khiến cho phê bình không đảm đương được sứ mệnh của mình, lại luôn luôn mang tiếng là tụt hậu, ăn theo sáng tác, là nghiệp dư, là trầm lắng, là thiếu sức sống, bỏ rơi trận địa...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trước hàng loạt sự kiện, hiện tượng nóng bỏng và những vấn đề quan trọng của đời sống văn học, nghệ thuật, phê bình nhiều khi còn lúng túng, thiếu nhạy bén chính trị và nghệ thuật, chưa kịp thời, thậm chí còn mơ hồ trong nhận định, đánh giá và lý giải. Những khó khăn nhiều chiều khiến phê bình đang phải đối diện với nguy cơ hiện hữu là sự “quay lưng” của giới sáng tác và công chúng văn nghệ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, những thành công, giới hạn và nguyên nhân như trên đã đặt phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay trước những đòi hỏi cấp thiết phải đổi mới để khẳng định vai trò, vị trí của mình, thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, tại Hội thảo, các tham luận ở những mức độ khác nhau đã đưa ra những định hướng, kiến nghị những giải pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của phê bình văn học, nghệ thuật trong thời gian tới mà trọng tâm là xây dựng và củng cố đội ngũ phê bình chuyên nghiệp, xây dựng môi trường sinh hoạt phê bình tự do, chuyên nghiệp, lành mạnh./.

Mời quý vị xem lại các chương trình đã phát sóng trên kênh Vietnam Journey tại đây.