Video Tin trong nước

Thúc đẩy ứng dụng các thiết bị "xanh" cho các phương tiện giao thông vận tải

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện trạng không khí ở Hà Nội đang ở mức xấu nhất trong 5 năm gần đây. Và một trong những yếu tố gây nên tình trạng này chính là khí thải từ các phương tiện giao thông khiến cho ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng.
19:20 - 18/01/2021

Đã đến lúc Chính phủ, các tổ chức xã hội, kinh tế và cả người dân cần ý thức được việc đưa vào sử dụng những phương tiện "xanh" là trách nhiệm của cộng đồng chung tay giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 1/2021, toàn quốc có tổng gần 4 triệu xe ô tô và khoảng trên 45 triệu xe máy đang lưu hành. Trong số các phương tiện đang lưu hành, nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố, nhiều xe qua nhiều năm sử dụng và không thường xuyên bảo dưỡng nên hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại và bụi trong khí thải cao, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Chính phủ nhiều nước trên thế giới hiện đang kỳ vọng phương tiện di chuyển "xanh" là một trong những giải pháp chủ lực để khắc phục ô nhiễm không khí. 

Tại Việt Nam, mới đây, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã ký kết thoả thuận hợp tác với Công ty cổ phần giải pháp tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường Plaumai Eco và Trung tâm Khoa học công nghệ Môi trường giao thông, trường Đại học Giao thông Vận tải trong việc thúc đẩy tuyên truyền, khuyến khích ứng dụng các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có việc đưa vào sử dụng thanh gốm tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường PlauMai Eco. 

Theo các chuyên gia thì thanh gốm này giúp tăng hiệu suất nhiên liệu bằng cách phá vỡ cụm nhiên liệu, giúp nhiên liệu phun vào buồng đốt hòa tan được nhiều ô xy hơn, đồng thời giúp đốt cháy triệt để nhiên liệu hơn, qua đó giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải độc hại từ động cơ ra môi trường.

Việc hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng ở các thành phố lớn là cần thiết. Vì thế, chủ trương thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành, gây ô nhiễm môi trường tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được sự đồng tình của đa số người dân. Tuy nhiên để thực hiện được không hề dễ dàng. Và trong quá trình đó, việc thúc đẩy ứng dụng các thiết bị “xanh” cho phương tiện giao thông vận tải vẫn là giải pháp căn cơ, lâu dài.

Vũ Đào - Quốc Hùng

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.