Video Phóng sự VOV

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trân trọng quá khứ, nắm giữ tương lai

Trân trọng quá khứ - Nắm giữ tương lai, đó là điều mà các cán bộ, giáo viên và hàng vạn sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn ghi nhớ và thực hiện suốt 25 năm qua.
14:44 - 19/11/2020

Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 45 thành lập Ban Đại học Văn khoa – 1 trong 5 ban thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam và cũng là tiền thân của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ban Văn khoa do Giáo sư Đặng Thai Mai làm Giám đốc, gồm 10 khoa được xếp thành 4 chuyên khoa: Triết lý, Việt học, Hán học, Sử ký - Địa dư học.

Ngày 3/11/1945, Nghị định do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ký tiếp nối Sắc lệnh số 45 đã thay đổi danh xưng xác định lại tên đơn vị là Trường Đại học Văn khoa.

Ngày 5/6/1956, Chính phủ Việt Nam ra Quyết định số 2183 thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trên cơ sở các trường tiền thân (Đại học Khoa học, Đại học Văn khoa, Đại học Khoa học cơ bản, Dự bị Đại học Liên khu IV), trở thành trường đại học khoa học cơ bản đầu tiên (khoa học tự nhiên - khoa học xã hội và nhân văn) tại miền Bắc Việt Nam ngay sau khi hòa bình được lập lại.

Ngày 10/12/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Nghị định 97 về việc thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó có Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được xây dựng trên cơ sở các đơn vị đào tạo/nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tháng 9/1995, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chính thức được thành lập, trở thành đơn vị độc lập nằm trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Những ngày đầu mới thành lập, nhà trường gặp muôn vàn khó khăn về đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất và trang thiết.

Có thể nói, sự đoàn kết, thống nhất ấy chính là nguồn lực quan trọng nhất để Trường nhanh chóng phát triển thành một trường đại học hàng đầu đất nước về các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Các thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Trường sau khi tốt nghiệp đã có mặt trên khắp nẻo đường đất nước, mang theo kiến thức, kỹ năng, phương pháp, phẩm chất có được trong quá trình học tập, rèn luyện để đóng góp vào sự nghiệp chung xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng; nhà hoạt động chính trị tiêu biểu, nhà lãnh đạo, quản lý tài năng của đất nước.

Sau 25 năm xây dựng và phát triển, hiện nay, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có 103 chương trình đào tạo. Trong đó, bậc cử nhân gồm 31 chương trình, bậc thạc sĩ 41 chương trình, bậc tiến sĩ 31 chương trình. Đội ngũ giảng viên có 13 Giáo sư, Tiến sỹ; 82 Phó Giáo sư, Tiến sỹ; 176 Tiến sỹ. Đây là những con số ấn tượng cho thấy chất lượng đội ngũ giảng viên của trường.

Trân trọng quá khứ - Nắm giữ tương lai, đó là điều mà các cán bộ, giáo viên và hàng vạn sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn ghi nhớ và thực hiện suốt 25 năm qua. Đó cũng là cách để họ lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống đã được hình thành suốt 75 năm xây dựng và phát triển từ những ngày đầu Trường Đại học Văn khoa. Truyền thống ấy sẽ luôn là sợi chỉ đỏ để các bạn trẻ ngày nay thêm yêu mái trường này, xác định cho mình mục tiêu và lý tưởng sống đúng đắn, nỗ lực trong học tập, rèn luyện, đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường, của đất nước.

Mời quý vị xem các Phóng sự VOV đã phát sóng tại đây./.