Video Phóng sự VOV

Vai trò đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống

Làng nghề truyền thống vốn là nét đẹp văn hóa của nhiều vùng quê, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo. Để làng nghề truyền thống phát triển bền vững, vai trò đào tạo nghề cho lao động nông thôn để giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống hiện nay là vô cùng quan trọng.
22:50 - 28/12/2020

Từ lâu làng nghề sản xuất mây tre đan thuộc thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội được biết đến như một trong những làng nghề truyền thống có tiếng của Hà Nội. Hiện nay, Phú Vinh có hơn 2.400 hộ gia đình làm nghề mây tre đan với hơn 4.000 lao động, mức thu nhập bình quân là 3,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở sản xuất đều thiếu lao động trầm trọng, đặc biệt là lao động trẻ. 

Làng Gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội hiện có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh hàng gốm sứ, thu hút, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động trong xã và gần 10.000 lao động tại các địa phương khác. Tuy nhiên, cũng giống như các làng nghề khác, hiện Bát Tràng đang thiếu hụt lao động trầm trọng, đặc biệt là lao động có tay nghề cao và lao động trẻ. 

Hiện nay cả nước có trên 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề đang đứng trước thực trạng thiếu lao động có tay nghề để đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến sản phẩm các làng nghề truyền thống chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.

Mời quý vị xem các Phóng sự VOV đã phát sóng tại đây./.