Lũy Thầy do chúa Nguyễn ở Đàng Trong xây dựng để ngăn chặn những đợt tấn công của phe họ Trịnh từ phương Bắc. Lũy Thầy đóng vai trò quan trọng trong các cuộc giao tranh và phần nhiều đem lại chiến thắng cho phe họ Nguyễn. Năm 1842, tức là 170 năm sau khi chấm dứt cuộc binh đao (1672-1842), vua Thiệu Trị đã cho khắc dựng bia đá để lưu niệm và đến ngày nay vẫn còn nguyên.
Lũy Thầy bao gồm 3 lũy chính, đó là lũy Trường Dục, lũy Nhật Lệ và lũy Trường Sa. Lũy Trường Dục do quân sư Đào Duy Từ (1572-1634) vạch ra cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1513-1635), được xây đắp vào tháng 3 năm Canh Ngọ (1630). Thầy Đào Duy Từ đã đứng ra điều khiển một số lượng đông đảo quân dân hai trấn Thuận-Quảng để xây đắp lũy. Lũy được đắp bằng đất sét, dài khoảng 10km.
Cửa Đông thành Đồng Hới
Lũy Nhật Lệ được xây đắp xong vào tháng 8 năm Tân Mùi (1631). Sách "Đại Nam thực lục" viết: "Chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Dật đi Quảng Bình xem xét hình thế núi sông. Khi về, Đào Duy Từ nói với chúa rằng: "Thần xem từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đầu Mâu, phía ngoài có nước, khe, bùn lầy sâu đọng, nhân đó dùng làm hào rãnh, trong thì đắp lũy mới, hình thế hiểm yếu gấp 10 lũy Trường Dục...".
Chúa liền cho làm. Lũy cao 6m, ngoài đóng gỗ lim, trong đắp đất, làm 5 bậc, voi ngựa đi được, dựa núi men khe..., mấy tháng đắp xong, thành một chiến lũy chia hẳn hai miền Nam-Bắc, chạy theo bờ bắc sông Nhật Lệ và bờ nam sông Lệ Kỳ. Lũy này cũng được gọi bằng những tên Đồng Hải, Đồng Hồi, Đầu Mâu, Đầu Mầu, chính Lũy... và như lũy Trường Dục, lũy Nhật Lệ cũng được gọi là lũy Thầy.
Tháng chạp năm Quý Dậu (đầu năm 1634), đứng trước nguy cơ bị quân Trịnh tấn công bằng cách đổ bộ vào bờ biển phía nam cửa Nhật Lệ, tướng Nguyễn Hữu Dật đã đề nghị với chúa Nguyễn Phúc Nguyên nên đắp một lũy dài chạy dọc theo biển. Chúa chấp nhận, Nguyễn Hữu Dật chỉ huy thi công, lũy dài 7km được gọi là lũy Trường Sa. Sau đó vào năm 1648, chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) cho đắp thêm lũy Mũi Dùi ở sát bờ nam cửa biển Nhật Lệ. Lũy Mũi Dùi còn gọi là lũy Sa Chùy, lũy Sa Phụ...
Những chiến lũy chính trên và các chiến lũy phụ khác đã tạo thành một hệ thống phòng thủ vững chắc của Đàng Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh và sau đó các vua nhà Nguyễn đã cho tu bổ, tôn tạo, xây dựng thêm một số công trình kiến trúc nhỏ khác để ghi nhớ công tích của tiền nhân.
Cho đến mãi sau khi đất nước xóa chia cắt, các vua triều Nguyễn vẫn tiếp tục phát huy tác dụng của hệ thống chiến lũy ấy có giá trị quân sự và lịch sử ấy. Sách "Đại Nam nhất thống chí" viết: "Đầu niên hiệu Gia Long nhân nền cũ đắp thêm, năm Minh Mạng thứ 5 (1824) tu bổ lại bắt đầu từ cầu Dài, chỗ xây đá thẳng đến núi Đầu Mâu, dài khoảng 17km, cao gần 3m, năm Thiệu Trị thứ 2(1842) đổi tên là Định Bắc trường thành.
Sách "Đại Nam thực lục" viết: "Tháng 3 năm 1824, vua Minh Mạng cho làm 3 việc tại Quảng Bình, một là xây thành Quảng Bình, hai là sửa lũy Nhật Lệ, ba là đặt tên cho cửa lũy là Quảng Bình quan. Thành Quảng Bình được xây bằng gạch đá và đúng một năm sau, tháng 3 năm 1825, triều đình Minh Mạng mới cho xây đắp cửa Quảng Bình quan, cầu Quảng Bình. Cầu Quảng Bình nguyên mang tên là cầu Dài, được xây dựng vào năm 1811, dưới thời Gia Long, đến năm 1825, vua Minh Mạng cho tu sửa".
Trong chuyến ngự giá ra Bắc, khi đi qua vùng Quảng Bình, vua Thiệu Trị (1841-1847) nhớ lại các bãi chiến trường đẫm máu ngày xưa tại đây, đã xúc động làm 3 bài thơ cảm tác. Vua đổi tên lũy Nhật Lệ bằng cái tên mới "Định Bắc trường thành" và cho dựng tấm văn bia có tên là "Định Bắc trường thành hoài cổ tác tam thủ". Vua cho khắc 3 bài thơ vào bia và dựng tại vị trí gọi là đò cầu Dài, ở vào khoảng 1km về phía nam thành Đồng Hới. Ngoài 3 bài thơ, trên tấm bia còn khắc một số lời dẫn và phụ chú, mách bảo cho người ta biết những sự kiện cần thiết liên quan.
Năm 1842, đi qua Đồng Hới, vua Thiệu Trị ra lệnh cho Thượng thư bộ Công và các quan trong tỉnh tu sửa lũy ở những nơi thấy cần thiết. Thượng thư bộ Lễ phải lo thực hiện những cuộc tế lễ để dâng lên cho các chiến sỹ đã bỏ mình vì Tổ quốc, cũng như cho quá khứ. Cuối cùng, ở cửa Nhật Lệ và khắp trong tỉnh, người ta phải tập luyện các đội thủy quân để quen với địa thế của xứ sở.
Tuy nhiên, các công trình kiến trúc thành lũy, cửa ải quân sự mà nhà Nguyễn đã dày công xây đắp tại Quảng Bình bị chiến tranh và thời gian tàn phá. Lũy Thầy đã bị thời gian bào mòn, bị thiên tai và chiến tranh hủy hoại, bị con người lãng quên. Dấu nối giữa hiện tại và quá khứ đã mờ dần.
Nhưng dù sao, với những dấu tích hiếm hoi của nó còn lại cũng có thể giúp cho chúng ta mở một cuộc hành trình lần theo lũy cũ chạy từ cửa biển Nhật Lệ đến tận chân núi Đầu Mâu để dò tìm lại dưới lớp bụi thời gian những di sản văn hóa, dấu ấn đậm nét do vua quan nhà Nguyễn để lại trên mảnh đất Đồng Hới.
Hơn 4 thế kỷ trôi qua, những công trình kiến trúc quân sự, những di tích lịch sử, văn hóa do nhà Nguyễn xây đắp nay đã được trùng tu, phục hồi, tôn tạo. Các di tích thành Đồng Hới, Quảng Bình quan đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia; tấm bia Định Bắc trường thành do bom đạn chiến tranh đã bị gãy mất 1/3 được bảo tồn tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, nội dung ba bài thơ do nhà vua Thiệu Trị cảm tác đã được phiên dịch. Những công trình di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu thời Nguyễn để lại là những điểm tham quan du lịch và nghiên cứu có giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, xây dựng...
Theo Báo Quảng Bình
Tỉnh Quảng Bình vừa cho phép thử nghiệm sản phẩm du lịch “Trải nghiệm cuộc sống mùa lụt” tại xã Tân Hóa,...
Dịp đầu năm Nhâm Dần 2022, du lịch Quảng Bình đã đón hơn 33.000 lượt khách tham quan. Kích cầu du lịch, tỉnh...
Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, tới ngày 11/1, đơn vị khai thác duy nhất sản phẩm du lịch “Chinh phục Sơn...
Tỉnh Quảng Bình đã đồng ý giảm từ 20 - 50% giá vé tham quan một số sản phẩm du lịch tại tỉnh này.
Sáng 1/1, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng tổ chức lễ đón những...
Quảng Bình và các doanh nghiệp du lịch sẽ thực hiện giảm sâu mức thu phí, giá các dịch vụ tham quan danh lam...
Tỉnh Quảng Bình sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình "Chào đón năm mới 2022" với chuỗi sự kiện...
Các điểm, tour tuyến du lịch tại tỉnh Quảng Bình đã trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, du...
Chương trình chào đón năm mới 2022 là sự kiện nổi bật để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, phát động...
Tối 15/10, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình phối hợp với Công ty TNHH MTV Chua Me Đất tổ chức đón đoàn khách du...
Tỉnh Quảng Bình quyết định thí điểm triển khai các hoạt động du lịch xanh, du lịch theo nhóm, theo gia đình...
Ngày 29/9, tại Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng,...