Được xây dựng từ năm 1872 bởi các kỹ sư Hải quân Pháp, Dinh thự Tổng lãnh sự quán Pháp đã đứng sừng sững qua bao đổi thay của cuộc đời và đi qua bao thế hệ con người ở thành phố này, trở thành nơi ghi dấu ấn kiến trúc đặc trưng thời cuối thế kỷ 19 với khung tòa nhà được làm bằng thép và kim loại.
Ngôi dinh cổ này là nơi làm việc của Tổng lãnh sự quán Pháp và đón tiếp khách, tổ chức các sự kiện ngoại giao… Ngày thường nơi đây không mở cửa đón khách tham quan, nhưng mỗi năm một lần vào tháng 9 nhân Ngày hội di sản châu Âu, tòa nhà sẽ cho phép quan khách vào chiêm ngưỡng.
Với những dãy hành lang dài và rộng cùng 64 cửa sổ mở ra ngoài, tòa nhà được xây dựng để đón nắng và đón gió tự nhiên, mát vào mùa hè mà ấm vào mùa đông, là cách để đảm bảo nhiệt độ trong nhà luôn được điều hòa dù được đặt ở một xứ sở nhiệt đới quanh năm nóng ẩm.
Một trong những đặc điểm của lối kiến trúc Pháp lúc bấy giờ chính là sự giống nhau giữa các tầng, cách bố trí phòng ốc và dãy hành lang đều như nhau dù được xây dựng bao nhiêu tầng đi nữa.
Dinh thự này là một trong số vài công trình cổ được người Pháp xây dựng ngay từ khi mới đặt chân đến Việt Nam. Bên cạnh đó còn có Dinh Norodom (nay là Dinh Độc Lập), Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Nhà thờ Đức Bà hay Bưu điện Thành phố.
Thuở ban đầu, dinh là nơi ở và làm việc của các vị Thuyền trưởng Hải quân, sau đó là của các vị tổng tư lệnh các lực lượng xứ Nam Kỳ. Họ là những nhân vật mà tầm quan trọng được thể hiện qua sự nguy nga của dinh. Tư dinh này phản ánh những ưu tư về mặt kiến trúc của thời đó: kết hợp sự tiện nghi của một ngôi nhà để ở với tính trang trọng của một tòa nhà mang biểu tượng của uy quyền.
Kiến trúc thuộc địa này khởi đầu từ thời chưa có điện, các ghế hóng mát bố trí dọc hành lang hướng tầm nhìn ra các ô cửa xanh cho cảm giác mát lành.
Những dãy hành lang rộng thoáng giúp tòa nhà luôn được nhận đầy đủ mọi thứ từ tự nhiên.
Bàn dùng cho mục đích giải trí của người sống trong tòa nhà, trên lưng của 4 chiếc ghế gỗ có khắc 4 biểu tượng cơ, rô, chuồn, bích là một điểm thú vị cũng như bộ bàn ghế này được đặt đối xứng ở hai góc trái phải của gian trước tòa nhà.
Bản đồ Sài Gòn dưới thời Pháp thuộc. Tại ngày hội di sản năm nay, không chỉ có hoạt động tham quan tòa nhà mà còn có triển lãm những tư liệu cũ, quý hiếm từ Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Ảnh: Lê Quân
Dãy hành lang pha trộn kiến trúc châu Âu và Đông Á tại Dinh thự Pháp. Ảnh: Lê Quân
Dinh thự Pháp tại TP.HCM được xem là công trình mang tính biểu tượng, một ví dụ tuyệt vời của nền kiến trúc Đông Dương thời kỳ đó. Khách tham quan sẽ có cơ hội khám phá câu chuyện của tòa nhà cũng như những bí mật ẩn giấu khi được hướng dẫn bởi chính ông Vincent Floreani, Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM.
Dinh được đại trùng tu vào năm 1959 và gần đây là trong hai năm từ 1998 - 1999 do công ty Glauser thực hiện. Với tinh thần tôn tạo và gìn giữ, không gian kiến trúc, diện mạo của dinh vẫn giữ đúng theo nguyên bản và có rất ít sửa đổi so với bản đồ thiết kế gốc.
Bức tượng Marianne, biểu tượng của Cộng hòa Pháp từ sau cuộc cách mạng Pháp. Đây là sự nhân cách hóa về tự do và lý trí, và là chân dung của nữ thần tự do Pháp Quốc.
Không gian đón khách này được sử dụng làm nơi tổ chức hôn lễ cho những cặp đôi người Pháp sống tại Việt Nam. Khi nghi lễ được diễn ra, họ phải đứng cạnh bức tượng Marianne và tuyên thệ yêu nhau trọn đời.
Không gian của căn phòng nếu không có đồ nội thất sẽ phục vụ được khoảng 100 người trong một bữa tiệc đứng.
Bức tranh nổi tiếng “Vườn Xuân” được tạo thành từ 9 bức tranh sắp xếp lại, những bức tranh này là của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 -1993). Nghệ thuật sơn mài là nét nổi bật của hội họa Việt Nam thời kỳ trước, tại dinh thự có cất giữ và trưng bày nhiều tác phẩm quý của những danh họa người Việt.
Ngoài ra, trong căn phòng này còn có vật giá trị khác chính là bức tranh sơn mài “Đám Rước” cũng của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Có nhiều thông tin cho biết, bức này được Pháp mua cách đây đã hơn 60 năm. Vì được xét công nhận là quốc bảo của Việt Nam, bức họa này không được phép mang đi khỏi lãnh thổ dải đất hình chữ S.
“Khi người Pháp đến Sài Gòn, họ nhận ra khí hậu tại đây nóng ẩm, nhiều mối mọt và côn trùng, nên các kỹ sư sử dụng khung thép và kim loại để xây dựng các công trình tại đây, giúp tòa nhà tồn tại lâu hơn, bảo dưỡng dễ dàng hơn”, Tổng lãnh sự Floreani chia sẻ.
Tổng Lãnh sự Pháp cho biết được sống trong ngôi nhà tuyệt đẹp này là may mắn của ông. Mỗi sáng thức giấc, chào đón ngày mới bằng tiếng chim trong trẻo, rảo bước qua khu vườn xanh mát của ngôi nhà để tới nơi làm việc là điều ông cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Phòng ăn với hai tấm khắc gỗ ghi chữ “Phúc Đông Hải” và “Thọ Nam Sơn” được treo ở bức tường phía đối diện.
Ở cuối phòng ăn là bức bình phong sơn mài mô tả một buổi chầu ở cung đình Huế với nhiều hình ảnh quen thuộc.
Bộ sưu tập muỗng dao nĩa ăn là một điểm nhấn đáng chú ý khác của chuyến tham quan. Trên tay cầm của những đồ vật này đều có khắc hai chữ cái thể hiện thời đại mà nó được tạo thành, thí dụ NP nghĩa là Napoleon Bonaparte, hay RF cho Republic of France (République française).
Dãy hành lang ở mặt sau của tòa nhà vẫn giữ lối kiến trúc hệt dãy lối đi ở gian trước.
Một tác phẩm điêu khắc mang đậm phong cách của Vương quốc Champa cổ xưa. Ảnh: Lê Quân
Sau thời gian dài phủ laphong, tấm trần cũng được mở ra và phơi bày nguyên vẹn những họa tiết được thiết kế từ lúc mới khánh thành tòa nhà. Ảnh: Lê Quân
“Sống giữa những cổ vật quý giá, tôi có trách nhiệm để luôn cẩn thận gìn giữ những giá trị và ý nghĩa của chúng. Không chỉ đảm bảo điều kiện bảo quản các đồ vật được tốt nhất mà lãnh sự quán cũng tiến hành kiểm tra, trùng tu, sửa chữa định kỳ,” ngài Tổng lãnh sự cho biết.
Khu vườn tư nhân rộng nhất Sài Gòn với diện tích lên đến 1,5 hecta. Để duy trì khu vườn, người làm việc ở đây phải đều đặn mỗi ngày cắt cỏ, dọn rác cũng như tìm kiếm côn trùng, rắn rết để xử lý. Nơi đây được dùng để tổ chức tiệc ngoài trời và đón khách với số lượng lớn.
Mặt sau của dinh thự Pháp nhìn từ khu vườn mát mẻ phủ bóng cây xanh.
Giữa khu vườn này là 2 bức tượng Phật được một phụ nữ người Pháp có địa vị tặng cho Tổng lãnh sự quán từ những năm 1960. Sau khi quay về Pháp, người phụ nữ này không muốn hai bức tượng bị mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đồng thời muốn Tổng lãnh sự quán cam kết giữ gìn chúng. Hằng năm vào mỗi dịp lễ tết, người Việt làm việc tại đây đều dâng hoa, dâng hương dưới bức tượng. “Các đời tổng lãnh sự dù không có tín ngưỡng Á Đông nhưng chúng tôi đều rất trân trọng văn hóa của người Việt”, ông Floreani nói.
Trải qua 150 năm với bao nhiêu biến cố thời cuộc, tòa nhà vẫn đứng yên nhìn dòng thời gian trôi chạy. Tòa nhà Tổng Lãnh sự quán Pháp là một trong những kiến trúc hiếm hoi giữ nguyên hồn cốt cũ.
Ngày hội di sản châu Âu, sự kiện tổ chức thường niên, là ý tưởng của Bộ Văn hóa Pháp, đưa ra vào năm 1984 dưới tên gọi “Ngày hội mở cửa cho di sản lịch sử”. Cơ quan đại diện của các nước châu Âu tại gần 50 quốc gia sẽ mở cửa một số tòa nhà cho công chúng tham quan.
Bình thường, các công trình này được sử dụng cho những mục đích khác, như hành chính, ngoại giao, kinh tế… nên không được mở cửa công khai. Sự kiện này thành công đến mức Hội đồng châu Âu đã mở rộng việc tổ chức ngày hội di sản trên toàn châu Âu vào năm 1991.
Theo saostar.vn
Tối 7/9, UBND TP.HCM tổ chức gala “Tinh hoa gạo Việt” để chào để chào đón các đoàn khách trong nước và quốc...
Sở Du lịch TP.HCM vừa tổ chức hội thảo “Tiềm năng du lịch kinh doanh tại TP.HCM và Việt Nam”. Hội thảo có hơn...
Sáng nay (8/9), TP.HCM khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM 2022 (ITE HCMC 2022). Tham dự lễ khai mạc có...
TP. Hồ Chí Minh bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế từ giữa tháng 3/2022 đến nay, các hoạt động du lịch kèm theo...
Vào ngày 23/7 tới đây, tại Quảng trường The Garden Mall (Quận 5), chương trình “Về Chợ Lớn xem múa Lân” do...
Tối 16/7, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ chào đón đoàn khách du lịch MICE (tức du lịch kết hợp hội...
Mùa hè này được kỳ vọng là thời điểm để ngành du lịch trong nước phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Vì...
Tối 14/5, TP.HCM khai mạc Ngày hội du lịch TP.HCM lần thứ 18 tại công viên Lê Văn Tám, Quận 1. Ngày hội năm...
Tối ngày 12/5, hàng ngàn người dân và Phật tử đã đổ về chùa Pháp Hoa (Quận 3, TP.HCM) để tham gia lễ hội thả...
Sở Du lịch TP.HCM cho biết, Ngày hội du lịch TP.HCM lần thứ 18 sẽ diễn ra tại Công viên Lê Văn Tám (Quận 1)...
Tối ngày 28/4, tại khuôn viên tòa nhà Landmark 81 ở TP.HCM, lần đầu tiên một lễ hội dành riêng cho gia vị...
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay kéo dài 4 ngày nên các khu vui chơi, giải trí ở TP.HCM đang ráo riết lên các...