Video Về chốn linh thiêng

Chùa Song Tử Tây: Điểm tựa tâm linh nơi đầu sóng

Ai từng đến với quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc, đều không khỏi xúc động và dành những giây phút tịnh tâm để hướng đến những ngôi chùa - cột mốc văn hóa Việt trên biển Đông.
16:34 - 23/02/2024

Buổi sáng, khi tiếng chuông chùa vang lên và ngân xa hòa cùng tiếng sóng biển hiền hòa khiến đảo Song Tử Tây như một làng quê yên bình trong đất liền. 

Cũng như bao ngôi chùa khác trên quần đảo Trường Sa, chùa Song Tử Tây hướng mặt chính diện ra phía biển Đông, đối diện với biển cả, che chắn bão giông để con người được yên bình. 

Theo lời kể, từ xa xưa, trên khắp quần đảo Trường Sa đã có những am thờ do ngư dân chúng ta xây dựng, để cầu Trời, khấn Phật phù hộ, độ trì cho những chuyến xa khơi thuận buồm xuôi gió. Những năm gần đây, phật tử trong cả nước và những ngư dân ở Quần đảo Trường Sa đã cùng nhau đóng góp công sức, tiền của trùng tu, tôn tạo các ngôi chùa. Ông Cao Văn Giáp - Phó CT UBND xã Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà vẫn còn nhớ như in những vất vả trong việc vận chuyển nguyên vật liệu từ trên xuồng vào. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, bằng khát vọng hoà bình cùng ý chí và quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền biển đảo của quân và dân Việt Nam, chùa Song Tử Tây đã được tôn tạo khang trang, to đẹp hơn. 

Chùa Song Tử Tây được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống với kết cấu một gian, hai chái, mái cong vút. Xung quanh chùa, bên cạnh bóng dáng cây đa, bồ đề mang cốt cách chùa Việt Nam, còn có thêm bóng mát của những cây tra, cây phong ba, cây bàng quả vuông xanh tốt và nở hoa tươi thắm mỗi khi mùa xuân sang.

Bên trong khuôn viên chùa, Nhà nước đã dựng một tấm bia phương danh anh linh các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma (Quần đảo Trường Sa) vào ngày 14/3/1988. Trên bia phương danh có ghi đầy đủ họ tên, năm sinh và quê quán của 64 liệt sĩ.

Điện thờ ở chùa Song Tử Tây không lớn nhưng được xây dựng khá công phu theo phong cách truyền thống: một gian hai chái, mái ngói cong; nguyên liệu được sử dụng bằng nhiều loại gỗ quý có sức chịu được độ mặn của nước biển. Điều đặc biệt là, chính điện hướng về Thủ đô Hà Nội với ý nghĩa thiêng liêng hướng về cội nguồn dân tộc, hướng về "trái tim" của cả nước. Bên trong điện là các bức tượng Phật ngọc trắng được chế tác công phu. Cùng với điện thờ Phật, chùa Song Tử Tây còn có các ban thờ anh hùng liệt sỹ. 

Toàn bộ hoành phi câu đối trong chùa đều được sơn son thếp vàng bằng chữ quốc ngữ như một sự khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc, khẳng định chủ quyền và văn hóa Việt Nam. 

Mái chùa che chở hồn dân tộc. Không chỉ là Song Tử Tây, những mái chùa ở Trường Sa không chỉ là cột mốc linh thiêng, một "tấm bia" khẳng định chủ quyền của Việt Nam về biển, đảo mà còn là hình ảnh để mỗi người dân, du khách ghé thăm sẽ nhớ về quê hương, nguồn cội và giá trị văn hóa của dân tộc. Giữa biển trời mênh mông, mỗi sớm bình minh, khi hoàng hôn buông xuống, tiếng chuông chùa ngân nga như tiếp thêm sức sống mãnh liệt, bồi đắp thêm quyết tâm cho quân và dân cả nước bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam./.

Thực hiện: Minh Quyên - Hoàng Thuyên