Video Tin trong nước

Chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc vừa phòng chống dịch vừa phục hồi kinh tế

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 diễn ra sáng 20/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội và trước đồng bào, cử tri cả nước về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2019 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
20:36 - 20/05/2020

Thủ tướng khẳng định, những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19. Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề. Song, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi kinh tế xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân.

Đánh giá kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2019, Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt; tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02%, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Nhận định tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2020, Thủ tướng cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Khu vực nông nghiệp chỉ tăng 0,08% do khó khăn rất lớn trong xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp tăng 1,8%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ và đối mặt với thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và khó khăn thị trường đầu ra. Khu vực dịch vụ chịu thiệt hại nặng nề, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống, vận tải. Tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm giảm 4,3% .

Tuy nhiên, Thủ tướng tin tưởng, chúng ta vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế, nhất là duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 1,21% so với tháng 12 năm 2019. Tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên . Triển khai kịp thời chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Thời gian tới, là giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, Thủ tướng nhận định, tình hình thế giới, khu vực được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng. Trong bối cảnh đó, dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế còn khó hơn nhiều. Yêu cầu đặt ra là không chỉ hóa giải các nguy cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, mà còn phải biến thành những cơ hội phát triển mới cho đất nước.

Trong những tháng còn lại của năm 2020, cùng với làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển KTXH. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng trình Quốc hội xem xét, thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới. Đáng chú ý là: cân nhắc chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách; miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ./.

Thực hiện: Vũ Khuyên - Chí Phương

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.