Video Tin trong nước

Hình tượng rồng trên nghệ thuật gốm phù điêu

Dân tộc nào cũng làm gốm, mỗi dân tộc có phong cách riêng để phục vụ đời sống dân sinh. Hình tượng rồng thể hiện trên gốm không ít nhưng rồng trên gốm phù điêu lại mang nét đặc trưng rất riêng, vừa mang hơi ấm của lửa, vừa mang hồn cốt của đất.
16:21 - 12/02/2024

Hình tượng rồng trên nghệ thuật gốm phù điêu

Mới đây, nghệ nhân người Hải Phòng Phạm Văn Tuyên vừa cho ra đời bộ tác phẩm mang tên Vũ Điệu Bách Long. Mặc dù đã thể hiện hàng nghìn tác phẩm gốm phù điêu nhưng bộ tác phẩm “Bách long” là một thách thức rất lớn đối với nghệ nhân Phạm Văn Tuyên. Ông phải tìm tòi 100 tư thế biểu hiện của rồng, vừa uy dũng nghiêm trang, vừa uyển chuyển sinh động, vần vũ gắn với các phối cảnh mà không được trùng lặp, vừa đa dạng nhưng phải có tính thống nhất. Bộ tác phẩm Bách Long của ông được chia thành 3 thể loại chính gồm, rồng đắp phù điêu, rồng điêu khắc và rồng được phối cảnh với tượng Phật, Bồ Tát trong vai trò long thần hộ pháp.

Điều đặc biệt trong bộ tác phẩm này đó là nghệ nhân đã vận dụng sáng tạo hình tượng rồng trong văn hoá phương Đông vốn được biến thể từ những bộ phận ưu việt của các linh thú, linh vật như mình rắn, vẩy cá chép, răng hổ, mũi trâu, sừng hươu, bờm sư tử và móng đại bàng… qua đó khiến loài linh vật thần bí này trở nên bình dị và gần gũi hơn mà vẫn không mất đi tính uy nghiêm, phi phàm.

Mỗi tác phẩm gốm chính là sự hoà quyện của đất, của nước, của lửa và tài năng, đam mê của người nghệ nhân đã biến những hòn đất vô tri trở thành những linh vật đầy sinh khí, mang hơi thở, hồn cốt dân tộc./.

Thực hiện: Anh Vũ - Sỹ Thành