Video Tin trong nước

Không chủ quan trong kiểm soát lạm phát

Theo các chuyên gia, tình trạng lạm phát thấp hiện nay một phần do tổng cầu yếu, ngoài ra hiệu quả của quản lý thị trường chưa cao cũng là vấn đề đáng lưu tâm và không được chủ quan trong kiểm soát lạm phát.
20:11 - 03/07/2021

Theo Tổng cục Thống kê, CPI 6 tháng đầu năm nay tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong các năm từ năm 2016 đến nay. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm chỉ tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. 

Các yếu tố tác động làm gia tăng áp lực lên mặt bằng giá trong 6 tháng qua là giá một số nguyên, nhiên vật liệu có xu hướng tăng cao như xăng, dầu, thép, vật liệu xây dựng, vật tư nông thôn. Ngoài ra, giá một số mặt hàng nông sản như gạo, đường... tăng. 

Ở chiều ngược lại, một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như giá nhiều loại thực phẩm, rau xanh ổn định; tác động từ chính sách hỗ trợ người dân, việc giữ ổn định giá nhiều mặt hàng trong diện nhà nước quản lý giá. Thêm vào đó, các chính sách tiền tệ, tín dụng được triển khai linh hoạt đã giúp lạm phát cơ bản trong tầm kiểm soát.

Phân tích thực trạng lạm phát thấp hiện nay và cả năm 2021, nhiều chuyên gia cho rằng một phần nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước sau khi loại trừ yếu tố giá, tức là thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế là 5,64%. Các con số này cho thấy sự tác động tiêu cực của dịch COVID-19 tới thu nhập, đời sống của người dân là rất lớn. 

Bên cạnh đó, khi nghiên cứu về diễn biến của CPI, nhiều chuyên gia cũng thấy có một số vấn đề trong khâu phân phối và quản lý thị trường.

Diễn biến giá cả 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy khả năng kiểm soát lạm phát cả năm dưới 4% như mục tiêu đề ra là trong tầm tay. Tuy vậy các chuyên gia cũng khuyến cáo còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới, như xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược có thể tạo áp lực lên một số nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế, từ đó tác động đến thị trường trong nước qua kênh nhập khẩu. Trong khi đó, dịch bệnh diễn biến khó lường có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại một số địa phương bị ảnh hưởng.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, từ nay đến cuối năm, các cơ quan quản lý cần phối hợp ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, thao túng giá, các hành động "té nước theo mưa” để trục lợi; tập trung tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Bên cạnh đó, có các giải pháp điều tiết, tạo sự ổn định cho thị trường bất động sản, không để xảy ra hiện tượng sốt giá, thổi giá.

Tiến Dũng - Trọng Khánh

Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.