Video Thế giới đó đây

Lớp học qua loa phóng thanh ở Ấn Độ

Học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19 không phải chuyện lạ. Nhưng ở những nơi không học trực tuyến được thì giáo viên làm cách nào để truyền đạt kiến thức cho học sinh? Những sáng kiến mang con chữ đến cho các em học sinh đã được triển khai ở những ngôi làng nghèo xa xôi hẻo lánh trên thế giới.
15:01 - 07/08/2020

Đó là câu chuyện ở ngôi làng Dandwal nằm ở miền Tây Ấn Độ. Một nhóm học sinh thay vì ngồi trong lớp học thì lại ngồi trên một tấm trải lớn ngoài trời. Đây là buổi học đầu tiên của các em sau nhiều tháng trường học đóng cửa vì dịch Covid-19, nhưng không có thầy cô giáo trước mặt, mà chỉ có tiếng giảng bài phát ra từ chiếc loa phóng thanh. 

Đây là sáng kiến có tên gọi “Bolki Shaala”, dịch theo tiếng địa phương nghĩa là “Spoken School” (Trường nói). Sáng kiến này do một tổ chức phi lợi nhuận ở Ấn Độ khởi xưởng. Theo đó, các bài học được ghi lại sau đó phát qua loa để dạy cho các em học sinh ở nông thôn không thể đến trường nhiều tháng qua.

Tại Ấn Độ, trường học đã đóng cửa hơn 4 tháng để phòng chống dịch bệnh. Trẻ em ở thành phố có thể học trực tuyến, nhưng ở những vùng nông thôn như làng Dandwal, ngay cả điện thoại hay mạng lưới điện cũng không có thường xuyên, thì việc học trực tuyến là không thể. 

Tổ chức phi lợi nhuận Diganta Swaraj Foundation trong một thập kỷ qua đã nghiên cứu về sự phát triển của các ngôi làng. Cách đây 2 tháng, tổ chức này đã bắt đầu ghi âm các bài giảng, bao gồm một phần chương trình dạy ở trường, các bài học kỹ năng xã hội cũng như bài học tiếng Anh.

Đến nay, chương trình đã đưa "lớp học" này đến với 6 ngôi làng, với mong mỏi truyền kiến thức đến cho 1.000 học sinh.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Ecuador, chỉ có chút khác biệt là "ngôi trường" nằm dưới gốc cây vẫn có “giáo viên” dạy trực tiếp. Khu dân cư nghèo ở phía Bắc thành phố Guayaquil không có đủ điều kiện để giảng dạy trực tuyến, vì thế mà một nữ sinh đã nghĩ ra cách mở lớp học đặc biệt này cho 40 em học sinh.

Denisse Toala - "Cô giáo" của lớp học mới có16 tuổi. Em có điện thoại di động và có khả năng truy cập Internet. Em dùng điện thoại di động truy cập trang web của trường học, tìm bài tập về nhà cho các em làm. Dưới "lớp học gốc cây" này, Toala dựng một chiếc bảng đen, những tấm poster và một tấm biển chào mừng với nội dung: "Học để dạy". Dĩ nhiên, đeo khẩu trang vẫn là điều bắt buộc ở lớp học này.

Các bậc cha mẹ chia sẻ, "cô giáo" Toala đang giúp con cái họ theo kịp với các bài học trên lớp khi mà dịch bệnh vẫn còn diễn ra.

Vậy là dù không thể học trực tuyến, không có mạng internet nhưng bằng những nỗ lực của những “người đưa đò”, các em ở những khu vực nghèo vẫn có thể thu nạp kiến thức trong mùa dịch bệnh này./.

Mời quý vị xem các tin tức Thế giới đó đây đã phát sóng tại đây./.