Người chở đò là chị Ngô Thị Quyên đã có kinh nghiệm gần 10 năm chèo đò. Chị xuất thân trong gia đình làm nông, chủ yếu là cấy hái. Kể từ khi Tràng An mở cửa đón khách du lịch, chị không khác gì những hướng dẫn viên du lịch thực thụ, khi vừa chèo đò, vừa giới thiệu để du khách có thể hiểu hơn về vùng đất mang vẻ đẹp kỳ vĩ này.
Những người chèo đò tại bến Tràng An đa phần đều là những phụ nữ tuổi trung niên, thường phải bắt đầu công việc từ sáng sớm. Để đưa du khách vào được những hang động hùng vĩ, uốn lượn quanh co, họ phải mất 3 giờ đồng hồ chèo đò liên tục. Vất vả là thế nhưng lúc nào họ cũng tươi cười, niềm nở với du khách.
Theo Ban quản lý khu danh thắng Tràng An, hiện bến đò Tràng An có khoảng 1.500 lao động làm nghề lái đò với gần 2.000 thuyền, chia thành 28 tổ, mỗi tổ từ 20 đến 45 người, trong đó có tới 80% lao động là phụ nữ. Tuy nhiên, để có thể tham gia lái đò đưa khách tham quan, họ phải rèn luyện rất kỹ và phải thi lấy chứng chỉ, thường xuyên phải trau dồi nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp.
Nghề lái đò ở Tràng An là công việc mong ước của nhiều người dân trong vùng, dẫu rằng đằng sau đó là những nhọc nhằn, vất vả. Sau mỗi chuyến hành trình phục vụ du khách cùng với thu nhập để trang trải cuộc sống, họ lại thêm yêu, thêm tự hào về mảnh đất hàng nghìn năm lịch sử. Bằng chính tình yêu giản dị của người nông dân chuyển sang làm du lịch, họ đã và đang quảng bá hình ảnh của Tràng An, cố đô Hoa Lư đến bạn bè trong nước và quốc tế.