Video Phóng sự VOV

Tìm về những chốn an yên trên quần đảo Trường Sa

Cách đất liền hàng trăm hải lý, giữa sóng nước mênh mông, vào mỗi buổi bình minh và khi hoàng hôn xuống, tiếng chuông chùa trên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc ngân vang thật thanh bình.
15:09 - 27/03/2024

TÌM VỀ NHỮNG CHỐN AN YÊN TRÊN QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

Trong hải trình đến với quần đảo Trường Sa, có lẽ ấn tượng nhất đối với mỗi người chính là hình ảnh những ngôi chùa đang hiện hữu tại các đảo. Khác với trên đất liền, tên các chùa ở Trường Sa cũng là tên của đảo nơi chùa tọa lạc. Không chỉ là chốn linh thiêng, khẳng định Phật giáo đã có mặt ở Trường Sa và đồng hành cùng dân tộc, đây còn là chỗ dựa tinh thần, tiếp thêm sức sống mãnh liệt cho những hòn đảo xanh nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.

Như thói quen thường ngày, mỗi buổi sáng sớm, sau khi lau dọn ban thờ, thầy Thích Lệ Quang – trụ trì chùa Sinh Tồn Đông lại thỉnh chuông. Trong không gian bao la của trời biển, tiếng chuông chùa ngân vang khiến đảo Sinh Tồn Đông như một làng quê thanh bình. Chùa Sinh Tồn Đông được xây dựng trên khuôn viên có diện tích khoảng 500m2, gồm cổng tam quan, chánh điện và một nhà tăng. Thầy Thích Lệ Quang, trụ trì chùa Sinh Tồn Đông cho biết do đảo Sinh Tôn Đông nằm ở vị trí thường đón sóng to, gió lớn nên việc trùng tu, tôn tạo chùa ở Trường Sa là khá khó khăn. Tuy nhiên, bằng ý chí và quyết tâm của quân và dân cả nước, năm 2021, chùa Sinh Tồn Đông đã được hoàn thiện, khang trang, to đẹp như hiện nay.

Chùa Sinh Tồn Đông có kiến trúc truyền thống với kết cấu một gian, hai chái, mái đao cong. Ở cổng tam quan chùa Sinh Tồn Đông có hai chữ “Từ bi” – “Hùng lực” thể hiện tinh thần độc lập, tự cường, hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Chánh điện chùa Sinh Tồn Đông là nhà 5 gian theo kết cấu chữ Đinh, xây chủ yếu bằng gỗ. Trong điện, chính giữa thờ ban bệ phật giáo bắc tông, ban chính gồm bộ tam thế phật, tiếp đến bộ tam thánh, sau cùng là bộ hoa nghiêm.

Hiện nay, trên quần đảo Trường Sa có 9 ngôi chùa. Tất cả đều đã được tôn tạo, phục dựng với cấu trúc tổng thể, phong cách kiến trúc cảnh quan thuần Việt. Giữa biển khơi, hình ảnh những ngôi chùa uy nghiêm, sừng sững trên các đảo tiền tiêu không chỉ minh chứng cho truyền thống văn hóa tín ngưỡng ngàn đời của người Việt, mà còn là biểu tượng hồn thiêng sông núi, là cột mốc văn hóa nơi hải đảo, khẳng định và củng cố vững chắc chủ quyền biển, đảo của tổ quốc VN.

Giữa biển khơi mênh mông sóng vỗ, bên cạnh những nếp nhà, những hàng cây xanh rợp bóng, nổi bật giữa nắng gió và biển xanh là mái chùa cong cong pha màu ngói đỏ tươi hoà lẫn với không gian tĩnh lặng, như tiếp thêm sức sống mãnh liệt, trường tồn cho đảo xanh nơi đầu sóng. Để dù ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam này, dân ta đều được ấm lòng khi nghe một tiếng chuông chùa…/. 

Thực hiện: Minh Quyên – Hoàng Thuyên