Lễ cúng trâu của người Lự Lai Châu thường được tổ chức sau khi kết thúc mùa màng, nhằm tạ ơn loài vật này đã nỗ lực đồng hành, cùng người dân lao động sản xuất để mang lại vụ mùa bội thu cho bản làng.
Lễ "Mo khoăn khoai" thường được tổ chức tại một khu bãi ruộng rộng gần bản, với sự tham gia của tất cả các hộ dân trong bản.
Những con trâu là nhân vật không thể vắng mặt trong lễ “Mo khoăn khoai”. Theo đó, đầu giờ sáng ngày lễ chính, mỗi gia đình sẽ đưa một con trâu to lớn, khỏe mạnh đến dự buổi lễ.
Để thực hiện lễ “Mo khoăn khoai”, đồng bào Lự mời 5 thầy cúng (1 thầy cúng chính và 4 thầy cúng phụ). Các thầy cúng được chọn là những người có uy tín trong cộng đồng, có cuộc sống gia đình hòa thuận, hạnh phúc.
Các đồ vật dâng tại lễ cúng thường là những sản vật do người dân tự làm ra và những lễ vật này được bà con chuẩn bị từ trước, có sự giúp sức của hầu hết phụ nữ trong bản.
Lễ vật cúng trâu là 1 con lợn đực đen tuyền, nặng khoảng hơn 1 tạ; 6 con gà trống; một cuộn chỉ đen; một bó cỏ to; cơm, gạo, thóc... Đây đều là những thứ gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa.
Sáng sớm ngày chính lễ, các thầy cúng cùng những người phụ giúp việc và các gia chủ nuôi trâu đã có mặt đầy đủ tại khu vực làm lễ để tiến hành các nghi thức.
Thầy cúng chính phụ trách việc bày biện mâm cúng chính, cúng “tạo bản quan mường”, các thầy cúng phụ sẽ tiến hành với các mâm còn lại, cúng “tào đin”, “tào báo”, “tào phà làng”, “tào hít”. Mỗi mâm cúng phải có 1 con gà.
Sau khi buộc trâu ngay ngắn trong các gian chuồng đã chuẩn bị sẵn, các chủ trâu cùng nhiều người khác bắt tay vào chuẩn bị lễ vật giúp thầy cúng thực hiện nghi thức.
Nghi thức lễ cúng trâu thường được kéo dài trong một buổi sáng, nhằm cầu mong đàn trâu của bản được khỏe mạnh để phục vụ mùa màng, hỗ trợ bà con sức cày kéo trong vụ sau.
Ngoài các thầy cúng và các thanh niên, chủ trâu phục vụ, lễ cúng trâu thường là nơi tụ họp của đông đảo người dân bản địa dân tộc Lự.
Đây là một nghi lễ văn hóa đặc sắc trong đồng bào Lự ở Lai Châu và cũng là dịp để bà con dân bản thắt chặt tình đoàn kết dân tộc, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất để cùng nhau vươn lên thoát nghèo./.
Khắc Kiên, Ngọc Thắng/VOV Tây Bắc