Tôi đến Quảng Nam vào một ngày nắng rát như thể có bao nhiêu hơi nóng ông trời há miệng nhả hết xuống nhân gian. Nghe tôi trình bày nguyện vọng muốn đến tham quan Thánh địa Mỹ Sơn, cậu em đồng nghiệp trẻ trai người xứ Quảng lấy lý do sợ bà chị “tàn phai nhan sắc” vì nắng, liền can ngăn: “Chu choa nắng hung lắm chị”. Nhưng đến bây giờ mới đặt chân lần đầu lên Thánh địa, với một người phương Nam như tôi mà nói, đã lạc hậu lắm rồi. Không thể không đi. Tôi tỏ rõ quyết tâm của mình: “Không sao. Chị không sợ nắng”.
Tưởng vậy là chắc mẩm chỉ mình ên mình giữa mênh mông nắng và thênh thang gió. Nhưng không phải vậy, bất chấp mặt đất ngời sao và trên trời chói chang sắc nắng, dòng người tham quan vẫn nườm nượp đổ về vùng đất Thánh, minh chứng cho sự hấp dẫn không hề vơi đi theo thời gian của Di sản văn hóa Thế giới này.
Nằm cách thành phố Hội An 45km về phía tây, cách thành phố Đà Nẵng 70km về phía tây nam, khu đền tháp Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên nằm lọt thỏm giữa một thung lũng, bao bọc bởi núi Răng Mèo - Hòn Đền, có con suối chạy quanh len lỏi qua các tàn lá cây rừng nguyên sinh che kín ánh mặt trời.
Quần thể di tích Mỹ Sơn được hình thành và phát triển trong 9 thế kỷ, từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII, là thánh địa Ấn Độ giáo của của Vương quốc Champa, là nơi tổ chức cúng tế của vương triều, là nơi đặt lăng mộ của các vị vua và hoàng thân quốc thích.
Hàng thế kỷ, Thánh địa Mỹ Sơn đã chìm vào lãng quên cùng với sự quá vãng của Vương quốc Chiêm Thành. Mãi đến năm 1885, nó mới được phát hiện. Lập tức không lâu sau, nơi đây đã thu hút được rất nhiều nhà nghiên cứu. Và ngày nay, quần thể đền tháp Mỹ Sơn là một địa điểm có sức cuốn hút mãnh liệt với du khách trên khắp hành tinh khi đến với Quảng Nam.
Quần thể di tích Mỹ Sơn được hình thành và phát triển trong 9 thế kỷ
Nhắc đến Thánh địa Mỹ Sơn, người ta nghĩ ngay đến dấu tích huy hoàng, vẻ đẹp tráng lệ, trang nghiêm của một nền văn hóa Chăm hưng thịnh. Người ta đắm chìm trong công cuộc tìm tòi, nghiên cứu nét kiến trúc kết hợp với một kỹ thuật xây dựng hoàn hảo và nghệ thuật điêu khắc, trang trí độc đáo trên các đền đài được xây dựng bằng gạch nung và đá sa huỳnh.
Đặc biệt, cho đến nay con người vẫn còn loay hoay, trăn trở xoay quanh một bí ẩn mãi chưa được khám phá, đó là kỹ thuật kết dính vật liệu không có mạch hồ trong việc xây dựng đền tháp ở Mỹ Sơn.
Còn với riêng tôi, vừa chạm dấu chân đầu tiên của mình lên nền đá rũ rêu phong, bên tai tôi tức thì vẳng lên câu thơ cũ: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương" (Thăng Long thành hoài cổ - Bà Huyện Thanh Quan). Tôi vốn có nhiều cảm xúc với những gì thuộc về quá khứ, cũ xưa. Nó thường làm cho cõi lòng tôi chao nghiêng và con tim rùng rùng nỗi nhớ.
Sự hoài niệm lịch sử luôn mang đến cho tôi những chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh quan, giúp tôi trải qua những thời khắc lắng đọng, an yên và thanh tịnh trong cuộc sống nhiều bộn bề lo toan thường nhật.
Vì thế, sự hoang tàn đổ nát nhưng vẫn phảng phất nét linh thiêng của đền đài, các ngôi tháp, những tượng đá không còn nguyên vẹn ở đây, khiến tôi có cảm giác như chỉ cần mình bước mạnh hơn một chút, thở nhanh hơn một chút thì những viên gạch dưới chân sẽ vở vụn thêm, những vách đền kia sẽ rệu rã hơn.
Tôi cẩn trọng men theo lối đi gập ghềnh vòng quanh các tháp. Mỗi cụm tháp có một tháp chính sừng sững uy nghiêm bao quanh là các tháp nhỏ. Hầu như tất cả các tháp đều có hình chóp nón. Trên các cửa ra vào là những bức tượng phụ nữ trong nhiều tư thế khác nhau được chạm khắc tinh xảo. Ở mỗi góc của chân tháp có tượng một con sư tử đực bằng đá khá lớn trong tư thế chống đỡ các góc tháp. Các đền thờ chính thờ thần Siva - người đã tạo ra vũ trụ. Miếu nhỏ thờ thần Sấm, Sét, Indra, thần mặt trời Surya và thần chiến tranh Skanda.
Tôi đặc biệt ấn tượng với cách thể hiện tín ngưỡng phồn thực ở di sản Mỹ Sơn qua các biểu tượng linga - yoni (bộ phận sinh dục của nam, nữ). Tuy số lượng các linga - yoni tại khu đền tháp Mỹ Sơn còn lại không nhiều (khoảng 13 linga và 18 yoni) nhưng câu chuyện tín ngưỡng phồn thực đến bây giờ vẫn còn được người Chăm gìn giữ như một điều thiêng liêng, quý giá nhằm nói lên sự cầu mong vạn vật sinh sôi nảy nở sung túc và sự hòa hợp âm dương.
Tín ngưỡng phồn thực ở di sản Mỹ Sơn
Từ xa xưa con người đã biết đặt sự hòa hợp âm dương trong vũ trụ lên thành đỉnh cao của đời sống lứa đôi. Hạnh phúc mà loài người khao khát có được mãi mãi không thể tách rời với thứ “văn hóa đỉnh cao” này. Biểu tượng sức sống của Linga – Yoni vì thế vẫn còn nguyên giá trị của nó.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, bao dâu bể của đất trời, hứng chịu nắng mưa khắc nghiệt của dãy đất miền Trung, cả sự tàn phá của chiến tranh, di tích Thánh địa Mỹ Sơn may mắn không trở thành phế tích và rơi vào quên lãng chính là nhờ sự quan tâm, trùng tu, bảo dưỡng của Nhà nước và người dân Quảng Nam nói riêng và của cả nước nói chung.
Bên cạnh việc tôn tạo, bảo dưỡng công trình kiến trúc đền tháp, Quảng Nam còn chú trọng khởi xướng các chương trình mang ý nghĩa giữ gìn các giá trị văn hóa, đời sống tinh thần của người Chăm qua các lễ hội.
Du khách đến thăm Thánh địa Mỹ Sơn
Không có nhiều thời gian cho cuộc hành trình, cho nên rốt cuộc thì những cảm nhận của tôi về Thánh địa Mỹ Sơn cũng chỉ là những cảm giác. Cảm giác về cái nóng của gió tưởng có thể nung sôi cả hơi thở. Cảm giác về thời kỳ rực rỡ của một nền văn hóa kiến trúc đã bị tàn phá bởi thời gian. Cảm giác về hồn thiêng sông núi đang lẩn khuất đâu đây. Cảm giác ngưỡng mộ những bàn tay, khối óc tài ba hiển hiện trên các đền tháp rêu phong. Cảm giác về những con người đang níu giữ quá khứ cho muôn đời sau. Cuối cùng là cảm giác tiếc nuối vì chưa được tận mắt chiêm ngưỡng nụ cười rực rỡ của những vũ nữ Apsara lộng lẫy xiêm y, trong điệu múa thần linh kỳ bí giữa tiếng cồng chiêng, tiếng kèn saranai thần thánh.
Chỉ là cảm giác. Nhưng biết làm sao được khi Thánh địa như một giai nhân ở chốn thâm cung, bí ẩn mà tôi chỉ là một lữ khách lướt qua nàng bằng cuộc hành trình quá ngắn ngủi.
Cho dù thịnh suy là lẽ thường tình, tụ tan là trò dâu bể, nhất định tôi cũng sẽ trở lại Mỹ Sơn. Ý nghĩ ấy làm tôi vơi bớt buồn, thấy mình tràn đầy năng lượng dù ngoài kia những cơn gió lào nghiệt ngã vẫn như tát vào mặt từng cơn nóng rát.
Thánh địa Mỹ Sơn không chỉ là niềm kiêu hãnh mang đậm nét văn hóa kiến trúc riêng biệt của người Chăm, không chỉ là niềm tự hào của người dân Quảng Nam, của người Việt Nam mà còn có vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa nghệ thuật vùng Đông Nam Á, đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12/1999. |
Thu Vân, Văn Thuyết/ conglyxahoi.net.vn