Văn hóa

Đến Tây Nguyên, tìm hiểu lễ hội bỏ mả

11:34 - 07/01/2019
Lễ bỏ mả là một trong những lễ hội độc đáo nhất của người Tây Nguyên, thể hiện lối ứng xử đẹp đẽ của người sống với người chết. Trong những ngày này, người sống ăn bữa ăn cộng cảm cuối cùng với người chết để rồi lưu luyến tiễn đưa người chết về thế giới bên kia bằng nhạc cồng chiêng...

Lễ bỏ mả hay hội Pơ-thi là một lễ hội lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của các dân tộc Tây Nguyên như: Bahnar, Ê đê, Jarai. Theo quan niệm của các dân tộc này thì sau khi chết, linh hồn vẫn còn quanh quất đâu đó, giữa người chết và người sống vẫn còn mối quan hệ ràng buộc, do vậy hàng ngày người sống vẫn ra thăm mả, quét dọn sạch sẽ và mang cơm nước cho người đã khuất. Chỉ sau khi làm lễ bỏ mả thì mối quan hệ ràng buộc này mới chấm dứt, người chết chờ đầu thai, còn người sống thì yên tâm lo cho cuộc sống của mình.

Thường sau khi người chết được 1 hay 3 năm người ta tiến hành làm lễ bỏ mả, khi gia đình của người chết có đủ trâu bò, rượu thịt. Nghi thức bỏ mả được diễn ra ở khoảng đất gần nơi chôn người chết. Bò được xẻ thịt ngay tại đó, rượu cần được buộc thành hàng, bàn cúng được dựng bằng tre, nứa, trên đó bày đồ cúng cho linh hồn người chết.

Lễ bỏ mả thường được tổ chức khi thời tiết tạnh ráo để có thể làm lễ cúng và di chuyển ngoài trời thuận tiện.

Cái mả ban đầu khi mai táng thường được dựng sơ sài. Đến ngày lễ bỏ mả, người ta mới bắt đầu dựng nhà mồ (nhà mả) kiên cố và đẹp đẽ. Lúc bấy giờ nhà mồ nói riêng và lễ bỏ mả nói chung trở thành một không gian chung quy tụ mọi nét tinh hoa văn hóa độc đáo của người Tây Nguyên, từ kiến trúc, hội họa, điêu khắc đến âm nhạc, múa hát, trình diễn… 

Trước khi tiến hành lễ bỏ mả khoảng 1 tháng, người ta bắt đầu chặt cây to làm hàng rào, đẽo những bức tượng dựng quanh nhà mồ. Quần thể những bức tượng là một thế giới sống động thể hiện các hoạt động thường ngày của con người, chim chóc và muông thú… với ý nghĩa là để bầu bạn với người đã khuất. Nhà mồ to và đẹp tùy theo kinh tế của mỗi gia đình. Dựng xong nhà mồ, lễ bỏ mả cũng bắt đầu.

Lễ bỏ mả thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người sống với người chết.

Lễ bỏ mả có thể kéo dài 3, 4 ngày hay 7 ngày, có khi nửa tháng, tuy nhiên theo ba bước tuần tự như sau: dựng nhà mả, làm lễ bỏ mả và làm lễ giải phóng cho người sống. Bước làm lễ bỏ mả là quan trọng nhất. Khi dân làng, họ hàng và khách các nơi đã đến đông đủ thì lễ thức tiễn đưa linh hồn người chết được tổ chức.

Lễ bỏ mả thường diễn ra vào buổi chiều, đó là một cuộc trình diễn lớn quanh nhà mồ. Sau khi già làng làm lễ cúng xong, thân nhân của người quá cố vào nhà mồ khóc than lần cuối với người đã chết. Tiếng cồng chiêng, tiếng trống nổi lên tiễn đưa người chết đi về thế giới bên kia, đoàn đưa tiễn gồm những người đánh khiêng và đánh trống, người đánh cồng chiêng, người đeo mặt nạ, người trình diễn những con rối, phụ nữ thì múa, họ đi vòng quanh nhà mồ biểu diễn những động tác theo tiếng nhạc. Trang phục của những người tham gia đều rất trang nghiêm và sặc sỡ.

Theo luật tục, Thầy cúng trong lễ bỏ mả phải có 3 người biểu thị cho ba phần của cơ thể: đầu, mình, chân

Có thể nói, những ngày Lễ bỏ mả thực sự là những ngày hội văn hóa tưng bừng đầy chất nghệ thuật. Trong những ngày này, người sống ăn bữa ăn cộng cảm cuối cùng với người chết để rồi lưu luyến tiễn đưa người chết về thế giới bên kia bằng bài nhạc cồng chiêng... 

Sau khi làm lễ giải phóng, người sống không còn ràng buộc gì với người thân đã chết. Họ có thể lấy vợ, lấy chồng, có thể dự những cuộc vui của dân làng. Đến đây lễ bỏ mả chấm dứt, ngôi nhà mồ cũng bị bỏ hoang, không còn được chăm sóc.

Phạm Dương (tổng hợp)