Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa gốm Bàu Trúc vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Có thể nói, làng gốm Bàu Trúc được xem là làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại đến ngày nay.
Làng gốm Bàu Trúc nằm ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Mỗi làng nghề lại có một cách làm riêng, ở làng gốm Bàu Trúc, người thợ dùng chính đôi bàn tay của mình để tạo ra những sản phẩm với nhiều mẫu mã phong phú.
Người thợ đang tỉ mỉ trong một công đoạn tạo ra sản phẩm gốm.
Nguyên liệu để cho ra những sản phẩm gốm là đất sét. Đất được người thợ làng gốm Bàu Trúc sử dụng lấy từ sông Quao trộn cùng với cát mịn theo một tỷ lệ “bí quyết” mà chỉ có người thợ ở chính làng này nắm được. Vì thế, thành phẩm gốm ở đây không hề giống với bất kỳ ở nơi nào khác.
Ở làng gốm Bàu Trúc, người ta không nung bằng lò, mà chất rơm rạ nung thủ công trong khoảng 6 tiếng, sau đó đem phun màu rồi lại tiếp tục nung thêm 2 tiếng nữa để cho ra sản phẩm cuối cùng.
Gốm Bàu Trúc đa dạng về mẫu mã.
Hoa văn trang trí rất đơn giản và gần gũi với cuộc sống của người dân, có thể là hình răng cưa, sóng nước, hoa văn hay vỏ sò… Gốm Bàu Trúc có màu đặc trưng vàng đỏ, đen xám, nâu, mang đậm đặc trưng văn hóa Chăm và không có sản phẩm nào giống hoàn toàn sản phẩm nào.
Màu sắc và hoa văn trang trí tuy đơn giản nhưng vẫn được mọi người yêu thích.
Nếu có dịp ghé đến vùng đất Nam Trung Bộ, hãy tới thăm làng gốm Bàu Trúc để tìm hiểu và chiêm ngưỡng những tác phẩm thủ công do chính tay người dân địa phương tạo ra. Đó sẽ là một chuyến đi đầy trải nghiệm và bổ ích!
Lương Trang