Video Tin trong nước

Bảo tồn phát huy giá trị của di tích lịch sử Tân Trào

Với giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt, năm 2012, Khu di tích lịch sử Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp.
22:26 - 20/05/2020

Chiến khu Tân Trào là khu di tích lịch sử của cách mạng Việt Nam thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Ngày nay, Đình Tân Trào và cây đa Tân Trào đã trở thành địa điểm có giá trị lịch sử quan trọng, thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm. Nơi đây, ngày 16 và 17/8/1945, Ðại hội quốc dân đã họp thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và bầu ra một chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và quân Giải phóng Việt Nam làm lễ ra quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó hành quân về giải phóng Hà Nội.

Khu du lịch lịch sử Văn hoá và Danh thắng Tân Trào ngày nay có 177 di tích lớn nhỏ. Trong đó, các di tích đặc biệt quan trọng là lán Nà Nưa nơi Bác Hồ đã ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, cây đa Tân Trào nơi chứng kiến lễ xuất quân công khai đầu tiên của quân giải phóng Việt Nam và Đình Tân Trào nơi diễn ra quốc dân đại hội vào các ngày 16 và 17/8/1945.

Lán Nà Nưa là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, do đơn vị giải phóng quân dựng để Bác ở và làm việc từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1945. Lán Nà Nưa có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác Hồ nghỉ ngơi, còn gian ngoài là làm việc và tiếp khách. Tại đây, ngày 4/6/1945, Bác đã triệu tập Hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng và Quân giải phóng, chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.