Video Tin trong nước

Các trường Đại học thay đổi phương thức tuyển sinh: Cần lộ trình để đảm bảo quyền lợi của thí sinh

Theo đề án tuyển sinh Đại học năm 2022 của Bộ GD&ĐT, có 2 phương thức chính: phương thức xét tuyển sớm tức là xét tuyển kết hợp dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực hay chứng chỉ quốc tế mà không dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, phương thức còn lại là xét tuyển dựa vào kết quả tốt nghiệp THPT.
19:25 - 04/07/2022

Việc áp dụng phương thức nào với tỉ lệ bao nhiêu là quyền lựa chọn của các trường. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình phù hợp để đảm bảo quyền lợi của mọi học sinh.

Nếu như 2 năm trước, hầu hết các trường Đại học, kể cả những trường top đầu, dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, năm nay nhiều trường giảm sâu chỉ tiêu đối với phương thức này. Ví dụ, nếu năm ngoái, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội dành 80-85% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì năm nay, số lượng xét tuyển bằng phương thức này chỉ còn khoảng 10-20%. Tương tự, trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm nay dự kiến chỉ dành từ 10 - 15% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này. 

Sự đổi mới trong phương thức tuyển sinh này được nhiều chuyên gia nhận định là xu thế tất yếu.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sự thay đổi phương thức xét tuyển này có thể ảnh hưởng đến các thí sinh vùng sâu, vùng xa trong việc tiếp cận các kỳ thi đánh giá năng lực hay trau dồi các chứng chỉ quốc tế. Bên cạnh đó, sự thay đổi đột ngột phương thức tuyển sinh cũng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều thí sinh đã nỗ lực hết mình cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để giành tấm vé vào trường Đại học.

Trước đó, khi công bố phương án xét tuyển Đại học năm 2022, Bộ GD&ĐT đã đưa ra khuyến cáo những trường đại học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. 

Tuy nhiên, Bộ cũng nhấn mạnh đến việc đảm bảo nguyên tắc ổn định. Đối với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần có lộ trình giảm để không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của học sinh. 

Việc các trường ĐH thay đổi phương thức tuyển sinh được nhìn nhận là xu thế tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh việc thay đổi chính sách, các trường cũng cần đặt ra lộ trình để thí sinh có thời gian thích ứng, tự trau dồi, hoàn thiện kỹ năng và trình độ để đáp ứng xu thế mới nếu muốn mở rộng cánh cửa vào Đại học.

Anh Vũ – Trọng Khánh – Chí Phương

Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.