Video Muôn màu cuộc sống

Đặc sản Cà Mau – Tinh hoa miền đất mũi


Thiên nhiên đã ban tặng cho Cà Mau nhiều sản vật nông nghiệp hiện đã tạo nên thương hiệu Cà Mau và bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Những sản vật này được bạn bè trong nước và quốc tế biết tới vùng đất này nhiều hơn nữa.
15:50 - 15/10/2023

Đặc sản Cà Mau – Tinh hoa miền đất mũi

Văn hóa biển được thể hiện qua nhiều hình thức, nhiều lĩnh vực khác nhau. Tài nguyên văn hoá được thể hiện qua cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Các làng nghề truyền thống như tôm khô Rạch Gốc; nghề làm mắm ba khía Rạch Gốc; nghề làm phồng tôm ở Năm Căn đã góp phần đa dạng hoá sản phẩm văn hóa của Cà Mau. Tiếp cận với những sản phẩm này cũng là một cách tìm hiểu văn hóa vùng miến.

Với sự kết hợp hài hòa của biển, rừng, cùng sự đan xem giữa các hệ sinh thái mặn, ngọt, lợ đã tạo ra nhiều loại sản vật, đặc sản đặc trưng, độc đáo, mang nhiều yếu tố truyền thống địa phương. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) ra đời nhằm khuyến khích các chủ thể sản xuất, kinh doanh ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, nhất là các giá trị truyền thống của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng trong tỉnh. Sau 3 năm thực hiện, chương trình OCOP Cà Mau đã giới thiệu được nhiều sản phẩm chất lượng.

Đa dạng sản phẩm đặc trưng vùng miền  

Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng nổi tiếng với chất lượng cua, tôm ngon nhất cả nước chính vì vậy các sản phẩm OCOP được chế biến từ con tôm, con cua đã chinh phục được thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số nước. Sản phẩm bánh phồng tôm của huyện Năm Căn được người tiêu dùng yêu thích bởi chất lượng, mùi vị, bao bì chuyên nghiệp. Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Hòa Phát là cơ sở đầu tiên và duy nhất của huyện Năm Căn đầu tư sản xuất bằng dây chuyền tự động hóa cho đến thời điểm này. Sản phẩm của cơ sở đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và hiện đang hoàn thiện cơ sở sản xuất đủ điều kiện nộp hồ sơ xét 4 sao. Các cơ sơ sản xuất đều nhận thức được việc chú trọng về chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm là 2 tiêu chí quan trọng nhất để “giữ tương lai” cho chính mình trong thị trường thực phẩm đầy cạnh tranh.

Trong rất nhiều sản vật đặc trưng của vùng đất cuối trời Nam, tôm khô với nghề làm ra nó vị trí rất đặc biệt, bởi tuổi đời đã hơn trăm năm in đậm dấu chân của tiền nhân mở đất. Nổi tiếng nhất là ở huyện Ngọc Hiển và huyện Đầm Dơi. Về vật chất, nó là một sinh kế quan trọng. Về tinh thần, nó là nghệ thuật ẩm thực, được thể hiện trong dân ca, đờn ca tài tử, tác phẩm văn học tạo nên sắc thái văn hóa riêng của vùng đất này. Cơ sở sản xuất tôm khô Ngọc Giàu xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi là nghề gia truyền 3 đời với tuổi đời lên đến gần 100 năm, hiện cơ sở sản xuất tôm khô theo phương pháp truyền thống thủ công, gìn giữ bản sắc văn hóa riêng biệt của nghề này.

Tôm khô Cà Mau mang một hương vị riêng khác lạ, được hòa trộn từ vị ngọt của đất, vị mặn của biển, hình thành dưới ánh nắng tự nhiên của trời. Nếm thử, sẽ thấy trong đó còn có cái tình của người Cà Mau hào sảng dễ thương. Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau đang hoàn tất hồ sơ trình Bộ VHTT&DL để công nhận Nghề làm tôm khô Cà Mau là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Từ năm 2019, nghề muối ba khía của Cà Mau đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bởi lịch sử hình thành và phát triển của nghề này cũng như vị trí của nghề muối ba khía trong đời sống người dân Cà Mau hiện nay. Nghề muối ba khía được coi là một trong những nghề thủ công ra đời sớm ở Cà Mau. Qua thời gian, nghề muối ba khía gặp không ít những thử thách và biến động. Tuy nhiên, nó vẫn khẳng định được thế mạnh, là một nghề thủ công truyền thống, mang lại hiệu quả nhất định trong đời sống kinh tế và xã hội của người dân trong vùng. Hợp tác xã Ba Khía Đầm Dơi được xây dựng và phát triển bởi một đôi vợ chồng trẻ, được sinh ra trong gia đình làm ba khía lâu đời. Cấc sản phẩm của HTX Ba khía Đầm Dơi đều đạt chuẩn ocop 3 sao.

Trái nhàu tươi là 1 loại quả “dại” mà nhà nào cũng có một vài cây ở trong vườn nhà, người dân nơi đây thường ngâm thành thức uống giải khát như Mơ ngoài Bắc, hoặc ngâm rượu được người dân Cà Mau dùng như 1 loại thuốc nam dân dã, hỗ trợ trong điều trị đau xương khớp. Nhận thấy tiềm năng của trái nhàu trong lĩnh vực hỗ trợ sức khỏe, nên sản phẩm nước cốt trái nhàu của công ty sản xuất thương mại SK Noni đã ra đời và ngay lập tức được thị trường đón nhận, đặc biệt là một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản bởi công dụng tuyệt vời với sức khỏe. Nước cốt trái nhàu được ủ 365 ngày theo phương pháp truyền thống, được viện paster kiểm nghiệm và được quy chuẩn chuỗi sản xuất theo Bộ Y tế. Năm 2021, thành phẩm nước cốt nhàu nguyên chất của Công ty SK NONI được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Cà Mau; đến tháng 5/2022, được công nhận là sản phẩm hữu cơ.

Một điều dễ nhận thấy, đó là sự vượt lên chính mình của mỗi cơ sở sản xuất. Bên cạnh việc chăm chút cho những sản phẩm truyền thống đã tạo được chỗ đứng trên thị trường là tìm tòi, nghiên cứu và tung ra những sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Ví dụ như với ba khía, một sản phẩm vùng miền đặc trưng của miền Tây không phải phù hợp với thi trường tiêu dùng miền Bắc thì HTX ba khía Đầm Dơi đã nghiên cứu chế biến một số sản phẩm khác để có thể chinh phục thị trường cả nước.

Hay như với trái nhàu, mỗi năm công ty SK Noni xuất ra thị trường khoảng 2.000 chai nước cốt nhàu và nhu cầu ngày càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách, công ty đã liên kết bao tiêu vùng trồng nhàu hữu cơ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cũng như hoàn thiện cơ sở sản xuất và thiết bị máy móc đạt chuẩn để xuất khẩu chính ngạch, đưa sản phẩm tiến xa đến các thị trường quốc tế.

Chuyển đổi số đưa sản phẩm Ocop Cà Mau tiến xa

Với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng địa phương. Việc quảng bá, giới thiệu nông sản nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng được chủ thể, các cấp, các ngành quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức. Trong đó, chuyển đổi số là một trong những xu thế tất yếu hiện nay để đưa sản phẩm OCOP của tỉnh tiến xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận nhìn chung có sự tăng trưởng đáng kể về giá trị và doanh thu góp phần tạo thu nhập ổn định cho nguồn lao động nông thôn. Hiện, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi từ phương thức bán hàng truyền thống sang phương thức bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Với hình thức này giúp tiếp cận được nhiều khách hàng và mở rộng thị trường tốt hơn.

Chuyển đổi số đã tạo được cơ hội lớn cho chủ thể OCOP, việc bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội sẽ dễ thu hút sự quan tâm của thị trường trên cộng đồng mạng, đây là kênh tiêu thụ sản phẩm tiềm năng.

Đặc sản của Cà Mau không chỉ nối tiếp, phát triển nghề truyền thống lâu đời, gìn giữ văn hóa ẩm thực, văn hóa biển mà còn tạo ra nhiều “triệu phú” và tạo ra công ăn việc làm cho người dân nơi đây, góp phần đưa đời sống kinh tế của người dân nông thôn ngày càng phát triển.

Thực hiện: Lan Anh – Sỹ Thành