Video Tin trong nước

Đến Lập Thạch, Vĩnh Phúc xem cây di sản hàng trăm năm tuổi

Hiện nay, nước ta có trên 4.000 cây di sản được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận. Cây di sản vừa là món quà thiên nhiên ban tặng vừa gắn với lịch sử của dân tộc, và là một tụ điểm giao lưu văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của làng xã.
00:38 - 13/10/2020

Nằm trước cổng tam quan đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, cây lộc vừng gần 600 năm tuổi này là niềm tự hào của người dân xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Cây được nhân dân trong vùng trồng trước cửa đền thờ Trần Nguyên Hãn sau khi ông qua đời và vẫn trường tồn đến ngày nay. 

Cây cao khoảng 10m, thân cây 3 người ôm không xuể. Cây mang thế “Cửu long khởi vũ” (nghĩa là 9 rồng cùng múa) với 9 cành lớn tỏa ra khắp phía.

Ngoài cây lộc vừng ở đền thờ Trần Nguyên Hãn được công nhận là cây di sản, xã Sơn Đông còn có 2 cây bồ đề ở đình Phú Hậu và đền thờ nhị vị Thánh Mẫu đều được trao bằng công nhận cây di sản Việt Nam năm 2016. Trong đó, cây bồ đề ở đình làng Phú Hậu đã vài trăm năm tuổi, có vóc dáng đặc biệt kỳ thú, cao trên 30m, cành lá xum xuê ôm trọn lấy cổng đình, giống như rồng cuộn ẩn mình trên cổng và tiếp xuống đất để nuôi cây. 

Cây di sản là những cây thân gỗ, đa phần là cây cổ thụ, đang sống trên 100 năm đối với cây trồng và trên 200 năm đối với cây tự nhiên, có giá trị lớn về văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội, sinh thái, du lịch... được pháp luật cũng như cộng đồng công nhận và bảo vệ.

Những cây di sản ở Sơn Đông còn đặc biệt hơn nữa khi gắn với những địa điểm lịch sử, là nơi tập kết của những đội quân đi đánh giặc ngoại xâm, là những hộp thư bí mật của Việt Minh.

Vinh danh cây di sản Việt Nam không chỉ nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, mà còn khẳng định những dấu tích lịch sử vinh quang lâu đời của dân tộc ta./.

Thực Hiện: Lê Liên - Trọng Đại

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.