Hà Nội, trái tim của cả nước và cũng là một trong những trung tâm du lịch lớn của nước ta. Giai đoạn 2016-2019 du lịch thủ đô đã có sự tăng trưởng vượt bậc với mức tăng trưởng bình quân hàng năm là hơn 11%, tốc độ tăng trưởng du khách bình quân 10%/năm, tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân hơn 14%/năm. Dịch COVID -19 bùng phát và kéo dài đã làm cho những con số này chỉ là quá khứ.
Không chỉ Hà Nội bị tác động bởi dịch COVID-19, nhiều trung tâm du lịch khác cũng trong bối cảnh tương tự. Năm 2021, với đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh trong cả nước đã khiến các hoạt động kinh tế, xã hội của phần lớn tỉnh, thành trong cả nước đình trệ nhiều tháng, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Sau mỗi đợt dịch, những người làm du lịch thấp thoáng hy vọng được trở lại những cung đường, những bề bộn, nhộn nhịp làm tour, đón khách, xây dựng sản phẩm. Nhưng rồi chưa kịp mở ra, cánh cửa lại đóng sầm trước mắt, đợt dịch Covid-19 thứ tư khiến mùa du lịch hè đóng băng. Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, mới thành lập đã phải đóng cửa, phá sản, những doanh nghiệp du lịch có thâm niên cũng phải cân nhắc, tính toán nhiều hơn.
Khó khăn là vậy, tuy nhiên ngành du lịch cũng đón nhận những tin hiệu tích cực khi Nghị quyết 128/NQ – CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 được ban hành. Ngay sau đó, hoạt động du lịch tại nhiều địa phương đã bắt đầu nhen nhóm trở lại.
Đặc biệt, hy vọng phục hồi du lịch đã rõ ràng hơn khi chúng ta đã chính thức đón những vị khách quốc tế đầu tiên đến Việt Nam sau gần hai năm đóng cửa. Điều này không chỉ tạo ra niềm vui được lần đầu tiên đón khách quốc tế, được cảm giác bình thường trở lại cho các hoạt động du lịch mà còn là sự chuẩn bị một khí thế mới, để những người làm du lịch vững tâm tiến bước về phía trước, chuẩn bị tốt nhất cho sự phục hồi và tạo sức bật cho ngành kinh tế không khói.
Dự báo năm 2022 ngành du lịch sẽ vẫn phải đối diện với những khó khăn, thách thức, nhưng dù khó đến đâu, để tồn tại, phục hồi, ngành du lịch buộc phải nỗ lực, thích ứng. Và trước hết, ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch, cơ quan chức năng phải hiểu đúng khó khăn để từng bước tháo gỡ, để biến những tia hy vọng le lói thành ánh sáng rạng ngời giúp du lịch Việt Nam vượt bão, bứt tốc.
Tiến Dũng – Chí Phương – Minh Quân
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.