Video Không gian đẹp

Tháp bà Ponagar – Nét tinh hoa nghệ thuật Chăm Pa

Tọa lạc trên đỉnh núi Cù Lao, bên bờ sông Cái thơ mộng, Tháp Bà Ponagar từ lâu đã là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đặt chân đến thành phố biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
16:28 - 31/12/2024

Tháp bà Ponagar – Nét tinh hoa nghệ thuật Chăm Pa

Văn hóa Chăm Pa là một trong những nền văn hóa cổ xưa và rực rỡ nhất tại khu vực Đông Nam Á, tồn tại từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ 19. Vương quốc Chăm Pa trải dài dọc theo dải đất miền Trung Việt Nam, nổi tiếng với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc độc đáo. Tháp Bà Ponagar đóng vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo và chính trị của người Chăm, là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng và là biểu tượng của quyền lực và sự thịnh vượng.

Lần đầu đặt chân đến tháp bà Ponagar, du khách sẽ choáng ngợp bởi vẻ đẹp kiến trúc độc đáo và ấn tượng. Những ngọn tháp sừng sững, uy nghi được xây dựng bằng đá ong nung với kỹ thuật điêu khắc tinh xảo, thể hiện tài năng và óc sáng tạo của người Chăm Pa.

Tháp Bà Ponagar được xây từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 13. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết về Nữ thần Thiên Y Ana - người mẹ xứ sở đã có công dạy người dân cách làm ăn như trồng lúa, dệt vải, chăn nuôi, sinh sống.

Tháp Bà Ponagar là một quần thể kiến trúc lớn, được phân bố trên 3 mặt bằng gồm: Tháp cổng, Mandapa và khu đền tháp. Trải qua hàng nghìn năm, do biến động lịch sử, hiện nay, khu di tích còn lại 5 công trình kiến trúc ở hai mặt bằng là Mandapa (Khu tiền đình - là nơi mà người Chăm dùng để chuẩn bị lễ vật trước khi dâng lên) và khu đền tháp ở phía trên.

Trong đó, khu Mandapa có 4 hàng cột lớn xây bằng gạch nung, bao gồm 10 cột lớn phía trong và 12 cột nhỏ hình bát giác ở phía ngoài. Vị trí này được xây nhằm làm nhà chờ trước khi lên khu tháp làm lễ trong các dịp quan trọng của cộng đồng người Chăm Pa thời đó.