Video Sách và cuộc sống

Ai nói và tại sao nói như thế

Làng văn mới vừa chào đón một tập truyện ngắn ấn tượng đặc biệt bởi sự trào phúng, hóm hỉnh nhưng đầy sâu xa. "Ai nói và tại sao nói như thế" của nhà văn Văn Giá gồm 17 truyện ngắn với nhiều ẩn ý nhưng lại gần gũi với mọi người.
23:28 - 16/10/2024

AI NÓI & TẠI SAO LẠI NÓI NHƯ THẾ

"Ai nói và tại sao nói như thế" là tập truyện ngắn thứ tư của nhà văn Văn Giá. Nhà văn Văn Giá tên đầy đủ là Ngô Văn Giá, ông nguyên là Trưởng khoa Viết văn - Báo chí Đại học Văn Hóa Hà, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Là người chuyên viết nghiên cứu - lý luận - phê bình, ông có đến 7 tập sách về tiểu luận, phê bình, chân dung văn học. Tập truyện gồm 17 truyện ngắn nhưng không có truyện nào mang tên "Ai nói và tại sao nói như thế" như tựa sách. Tác giả chọn một cái tên sách đầy chất lý luận và nhiều ẩn ý.

Nhà văn Văn Giá tạo dựng, điều phối, pha trộn cùng lúc nhiều tiếng nói trong tập truyện này. Trẻ con, người già, trung niên, nhà giáo, bệnh nhân, lão nông,… Có tiếng nói của quá khứ, kí ức; có tiếng rõ câu chữ, có tiếng lẫn trong kí hiệu, lại có cả tiếng nói của cả “người viết truyện” như muốn đính chính, can thiệp vào những tiếng nói của nhân vật.

Nhà văn Văn Giá một nhà giáo rất mẫu mực, rất mô phạm trong đời thực lại có thể trở nên “rất ngầu”, thoát vai hoàn toàn với giọng văn trào phúng, luôn ám ảnh bởi sự vô thường nhưng đầy tính triết học, nặng lòng với làng quê và đau đáu sự cách tân, sáng tạo trong văn học.

Tác giả đã truyền dẫn các trạng thái của đời sống, từ ốm đau, bệnh tật, cái chết cho đến tình yêu, tình dục, từ sự dở chứng, dở hơi của tuổi hưu đến sự khó lường, bất nhất của tuổi trẻ… Ở đó, một bệnh viện cũng là nơi phô bày tiếng nhục dục (Chăm người bệnh), một trường học lại ẩn đi tiếng oán trách (Một góc trời xa), một mảnh vườn quê cằn cỗi tiếng tình nghĩa (Bức tường rào), một quán xá đóng kín tiếng khổ đau tận cùng (Quán ông già). 

Khi tự thú, tự trào (Ba chuyện tầm phơ), khi tự giễu (Mình đã “giề” rồi) và thường xuyên, là tự ý thức về tính chất hóc hiểm bi hài của trần đời (Ăn sáng café, Người đàn bà bên kia sông, Về nơi chốn mới), mỗi tiếng nói đều thấp thoáng một ngờ ngợ, nửa chắc mẩm nửa hoài nghi, về lòng tốt và luân lí, về đúng và sai, rồi sau hết, là về cái đích đáng và cái vô nghĩa của kiếp người. 

Do đó, sẽ là vội vàng nếu lựa chọn hay loại bỏ một kiểu tiếng nói, trái lại, chúng cần đồng thanh, quy chiếu vào nhau, như cuộc sống đa thanh, và tôi chắc đây mới điều tác giả tâm đắc, như đời người quá nhiều khúc đoạn, biến hóa biến dịch vô cùng.

Thực hiện: Lan Anh – Đức Thành - Huyền Phương