Dù đã 1 năm trôi qua nhưng cho đến giờ, không khí buồn đau vẫn còn bao trùm trong căn nhà của bà Trần Thị Dân. Trong một lần ra khơi đánh bắt cá, con trai bà vì không mang áo phao nên khi bị sóng đánh lật thuyền thúng đã bị đuối nước tử vong, để lại cho bà 2 đứa cháu đang độ tuổi ăn học.
Mặc dù thuyền thúng là phương tiện đánh bắt ven bờ khá phổ biến với ngư dân các vùng biển. Tuy nhiên thời gian qua đã có không ít vụ tai nạn thuyền thúng đáng tiếc đã xảy ra với ngư dân. Mà gần đây nhất là ngày 18/12 vừa qua, vụ lật thuyền thúng trên sông Thu Bồn khiến 2 anh em trú tại xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam tử vong. Thế nhưng nhiều ngư dân vẫn rất chủ quan.
Thực tế công tác tuyên truyền, tập huấn về an toàn lao động khi đánh bắt trên biển thời gian qua đã được các ngành, các cấp và địa phương quan tâm. Qua đó đã giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của ngư dân trong việc đảm bảo an toàn. Tuy nhiên do nguồn lực còn hạn chế nên công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cũng như các chính sách Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, đặc biệt trong khu vực không có quan hệ lao động (nông nghiệp, làng nghề, đánh bắt thuỷ hải sản tự do) vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.
Hàng trăm nghìn tàu, thuyền, các phương tiện đánh cá của ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển vẫn hàng ngày, hàng giờ đối mặt với những hiểm nguy rình rập. Vì vậy bên cạnh công tác tuyên truyền, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp không trang bị đầy đủ các thiết bị, đánh giá chất lượng cũng như tuổi thọ của tàu cá để từ đó có giải pháp phù hợp…góp phần quan trọng cho an toàn lao động nghề biển./.
Thực hiện: Minh Quyên, Ngọc Toàn
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.