Video Tin trong nước

Ân tượng chiếu chèo giữa sóng nước Trường Sa

Đối với bất kỳ nghệ sĩ nào, được biểu diễn tại quần đảo Trường Sa là niềm vinh dự và tự hào. Đến vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những nghệ sĩ của Nhà hát chèo Việt Nam đã mang hồn cốt, tinh hoa của nghệ thuật dân tộc đến với người dân trên đảo.
13:00 - 26/06/2024

ẤN TƯỢNG CHIẾU CHÈO GIỮA SÓNG NƯỚC TRƯỜNG SA

Trong tất cả các chuyến hải trình đến Trường Sa, đoàn nghệ sĩ luôn là những người vất vả nhất. Vượt qua hàng trăm hải lý, vừa cập bến, họ là những người đầu tiên lên đảo và rời đi sau cùng với đủ thứ phục trang, thiết bị phục vụ biểu diễn. Riêng đối với các nghệ sĩ Nhà hát chèo Việt Nam, niềm tự hào và tình yêu biển đảo quê hương đã khiến họ dường như quên đi mỏi mệt mà luôn tràn đầy năng lượng khi được mang tinh hoa của nghệ thuật dân tộc: những làn điệu, những trích đoạn chèo, những điệu múa và làn điệu dân ca… tới với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.

Để chuẩn bị cho chuyến lưu diễn đặc biệt ngóng chờ nhiều năm, Nhà hát Chèo Việt Nam đã lên kế hoạch rất công phu từ việc lựa chọn những nghệ sĩ trẻ xung kích, những tiết mục giành nhiều giải thưởng trong các liên hoan sân khấu thể nghiệm. Không dễ gì có được cơ hội đến Trường Sa, làm sao phải mang được những gì tinh tuý nhất của nghệ thuật dân tộc, chứa đựng những triết lý nhân sinh trong dòng chảy văn hoá Việt Nam là nỗi niềm canh cánh của các nghệ sĩ.

Với các nghệ sĩ, biểu diễn tại Trường Sa dù vất vả hơn các sân khấu thông thường nhưng tình cảm thì không gì đong đếm được, có lẽ bởi họ thấu hiểu sự hy sinh, cống hiến của cán bộ, chiến sĩ hải quân vẫn ngày đêm nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Và dù có rời đi nhưng câu hát giao duyên “người ơi người ở đừng về” vẫn như vang vọng mãi để lại nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng người ở lại./.

Thực hiện: Anh Vũ – Lê Hải