Áp dụng lệnh vận chuyển bằng điện tử, với dữ liệu truyền thẳng về hệ thống giám sát của doanh nghiệp, bến xe và tổng cục đường bộ. Cùng với dữ liệu giám sát hành trình hiện có trên các xe khách, việc hạn chế tình trạng chạy lòng vòng, chạy sai lộ trình đăng ký, sửa chữa, thậm chí là làm giả lệnh vận chuyển để bỏ bến, lập bến cóc, chạy dù sẽ được xử lý triệt để. Tuy nhiên, thực tế thì việc áp dụng lệnh vận chuyển điện tử này hiện vẫn gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải. Đặc biệt là 1 số doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo cơ quan chức năng, lệnh vận chuyển giấy và lệnh vận chuyển điện tử khác nhau chỉ ở cách thức truyền thông tin. Hiện đối tượng áp dụng lệnh vận chuyển đối với vận tải cố định trên địa bàn thành phố là khoảng 50 đơn vị với trên 700 đầu phương tiện, còn các đơn vị của địa phương khác đăng ký hoạt động trên địa bàn Hà Nội là khoảng 300 đơn vị vận tải với 3.500 phương tiện.
Theo yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, phần mềm quản lý bến xe đã được truyền dữ liệu đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam, do vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất và được bổ sung quy định chuyển sang lệnh vận chuyển điện tử. Trong giai đoạn trước mắt, vẫn tồn tại song song cả lệnh vận chuyển điện tử và giấy để doanh nghiệp lựa chọn.
Trước đây khi sử dụng lệnh vận chuyển giấy, có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp hoặc phương tiện sử dụng lệnh vận chuyển không đúng quy định, thậm chí lệnh vận chuyển giả. Nếu ứng dụng công nghệ số thì lệnh vận chuyển điện tử giả rất khó xảy ra, góp phần hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc.
Thu Hương – Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.