Video Tin trong nước

Bắc Ninh: Phát triển du lịch gắn với quảng bá sản phẩm, kích thích tiêu dùng nội địa sau dịch bệnh Covid-19

Nhiều năm qua, nhờ việc phát triển sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, nhất là, việc phát triển một số sản phẩm gắn với du lịch, tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.


17:34 - 16/10/2023

Bắc Ninh: Phát triển du lịch gắn với quảng bá sản phẩm,

kích thích tiêu dùng nội địa sau dịch bệnh Covid-19

Nhiều năm qua, nhờ việc phát triển sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, nhất là, việc phát triển một số sản phẩm gắn với du lịch, tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Điều này vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch theo hướng bền vững, vừa giúp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm giàu giá trị văn hóa truyền thống của Bắc Ninh đến với nhiều người tiêu dùng trong nước và quốc tế, đặc biệt là tăng tỷ lệ tiêu dùng nội địa sau đại dịch Covid-19.

Bắc Ninh vốn là tỉnh được mệnh danh là “Đất trăm nghề”, với nhiều làng nghề, nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa. Tháng 7/2023, UBND tỉnh Bắc Ninh đã thông qua Ðề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025”. Việc triển khai đề án này vừa giúp tạo nên các sản phẩm du lịch xanh, du lịch văn hóa của vùng đất xứ Kinh Bắc, vừa góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các làng nghề truyền thống, từ đó tạo ra hiệu quả kép cả về phát triển du lịch địa phương và tăng sức mua của chính khách du lịch khi đến với Bắc Ninh.

Giá trị trong từng sản phẩm đặc sản của địa phương là hồn quê, là giá trị đặc trưng văn hóa riêng của mỗi địa phương, là mỗi làng một sản phẩm. Do đó khi những giá trị này được thể hiện qua ẩm thực, qua quà tặng, qua các sản phẩm nông sản địa phương để giới thiệu cho khách du lịch sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế du lịch, vừa giúp người tiêu dùng tiếp cận tốt hơn tới các sản phẩm địa phương đạt chất lượng.

Để tiêu thụ sản phẩm địa phương đạt hiệu quả thông qua du lịch, nhiều chuyên gia cho rằng cần được tập trung nguồn lực thực hiện, có các lớp huấn luyện phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương gắn với phát triển du lịch nông thôn, từ đó góp phần tăng năng suất tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của địa phương, vừa giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, vừa góp phần bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Khi cách làm này có hiệu quả sẽ tiếp tục thu hút nhiều đơn vị cùng tham gia, tạo sức bật cho các hoạt động du lịch và tiêu thụ sản phẩm của địa phương, tăng tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao./.


Thực hiện: Vân Anh – Chí Phương